Trung tuần tháng 11-2015, chúng tôi có dịp lên công tác ở huyện Đăk Hà, Kon Tum. Bạn tôi “bỏ nhỏ”: đã lên đến đây mà không đi xem lễ hội bắn trâu - Ting Pêng thì thật phí. Chuyến công tác dài và mệt, nhưng đây là lần đầu tiên và cũng có thể là cơ hội duy nhất được xem lễ hội này nên tôi gật đầu không chút đắn đo.
“Chớ vội xem đây là một hủ tục, vì thực chất lễ hội nhằm để dân làng ăn mừng nhà rông mới, thực hiện lời hứa khi tổ chức làm nhà rông với Giàng và cầu mong cho mùa màng bội thu, dân làng no đủ, khỏe mạnh” - anh bạn tôi nói.
Vào rừng từ sáng sớm
Theo chỉ dẫn của người bạn, lúc 4 giờ sáng tôi đón taxi từ trung tâm huyện Đăk Hà vào làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo - nơi diễn ra lễ hội. Sương núi trắng xóa giăng phủ những cánh rừng cao su, cà phê bạt ngàn. Chiếc xe chạy phăng phăng trên con đường quanh co, uốn lượn men theo bìa rừng, cỏ mọc cao lút đầu người. Dù quãng đường chỉ chừng 20 km nhưng do lạc đường nên phải tới hơn 6 giờ sáng, chúng tôi mới đến được nhà rông làng Kon Rôn.
Ngôi nhà rông mới làm còn thơm mùi gỗ. Bên trong cồng chiêng, rượu cần đã đặt sẵn sàng. Dưới nhà rông, hàng trăm con dê, heo đực được cột từ sớm. Con trâu mộng to tướng - vật tế Giàng được cột riêng ở một góc. “Con trâu này được mua với giá 30 triệu đồng. Còn heo, dê là của dân làng mang đến để cúng. Hộ có nhiều người thì cúng heo, dê lớn, còn nhà ít người thì cúng heo, dê nhỏ hơn, ít hơn” - một dân làng cho biết.
Từ 5 giờ sáng, già làng đã dẫn hầu hết dân làng vào rừng chuẩn bị cho lễ hội. Theo chỉ dẫn, tôi cuốc bộ vào rừng cách nhà rông gần 1 km. Sương sớm còn đọng hạt trên lá tranh khiến tôi ướt sũng. Khi tới nơi, đập vào mắt tôi là cảnh hàng chục người đang dùng dao rựa phát cỏ, dọn cây cối, tạo một khoảng không gian cho lễ hội.
Già làng, được mọi người gọi là U Già, đang hí húi chặt gốc cây gòn gai - một loại cây mà theo người dân ở đây là rất tốt, rễ có thể trị lành vết thương. Sau đó U Già dùng cây le cột hình chữ thập và cột vào gốc cây gạo. Biểu tượng này như để Giàng ở trên trời cao chứng kiến dân làng làm lễ tạ ơn. “Lễ hội Ting Pêng có từ thời xa xưa, thường diễn ra vào tháng 10 hằng năm. Do năm nay làng làm nhà rông mới, hai tháng mới xong nên tạ ơn Giàng vào thời điểm này” - U Già nói với tôi.
Phía trước bàn thờ Giàng, nhiều trai tráng đang đào một cái hố khá sâu và chôn theo hình tam giác ba cây cọc to bằng bắp đùi, ở giữa đặt ngọn gòn gai. Những dây mây chắc chắn được bện thành một cái thừng to bằng bắp tay, một đầu tròng vào cột tam giác, đầu còn lại chừa lỗ để cột vào cổ trâu.
Trong khi U Già cùng trai làng làm bàn thờ, cọc cột trâu thì người già, phụ nữ lo phát quang khu vực xung quanh. Họ cũng làm những cây cọc hình tam giác và đặt ngọn gòn gai ở giữa. Những cọc này nhỏ hơn vì chỉ dùng để cột dê và heo, dây thừng bện từ mây cũng chỉ to bằng ngón tay cái.
U Già thử nỏ trước khi bắn trâu.
Ðội cồng chiêng đủ mọi lứa tuổi của làng Kon Rôn.
Giờ thiêng
Tới 7 giờ, mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Củi, xoong nồi, nước được đưa lên để sẵn. Một hồi cồng chiêng vang vọng, già làng và dân làng quay về nhà rông. Già làng đi một vòng nhà rông rồi bước xuống, ra hiệu cho trai làng dắt trâu lên rừng. Đi phía sau là hàng chục người làng ôm, gánh, dắt heo, dê. Tới nơi, trai làng tròng dây thừng để sẵn vào cổ con trâu. Heo dê của dân làng cũng được cột vào đúng vị trí của từng gia đình.
Trước khi bắt đầu nghi lễ, già làng chuẩn bị sẵn những mũi tên và phân phát cho dân làng. Già làng thử nỏ bằng cách giương lên bắn lá cây. Sau hai phát trúng đích, già làng gật gù yên bụng. Lần lượt dân làng cũng bắn lá thử tên. Tiếng vù vù của tên bay, tiếng hú của dân làng rộn ràng như một bản hùng ca làm xao động cả một cánh rừng.
Thấy việc chuẩn bị quá lâu, tôi đâm ra nóng ruột bởi còn một cuộc hẹn lúc 8 giờ ở xã Đăk Long, cách chỗ tôi đang đứng hơn 30 km. Không lẽ bỏ cuộc?
Đang lúc tôi cảm thấy khó xử thì U Già lấy tay che mắt nhìn lên trời. Lúc này mặt trời đã lên đến đầu ngọn cây, ánh sáng lọt qua khe lá xuyên thấu xuống lưng trâu. Bỗng một hồi cồng chiêng từ nhà rông vang dội ra rừng. Tiếng hú í ới im bặt. U Già tì cây nỏ và lên dây, đặt tên vào vị trí. Ở khoảng cách chừng 4-5 m, U Già nín thở lẩy cò. Mũi tên dính vào bên hông gần nách trước con trâu. Sau U Già, những người già trong làng cũng thay nhau bắn tên vào con trâu. Tôi nhìn đồng hồ, vừa nhích qua 8 giờ một tẹo.
Phía bên ngoài, dân làng cũng bắt đầu dùng nỏ bắn heo, dê của gia đình mình để lấy máu tế Giàng. Theo quan niệm, để không phật lòng Giàng, người bắn không được bắn trật hay làm gãy tên, gãy nỏ và chỉ được bắn một phát duy nhất vào mỗi con heo, dê.
Tiếp đó, U Già giao cho các nhóm thanh niên, người già có kinh nghiệm mổ thịt trâu và nấu nướng ngay tại chỗ. Công việc này kéo dài đến khoảng 12 giờ thì hoàn thành. Sau khi các thức món được chuẩn bị xong, U Già bắt đầu nghi lễ khấn Giàng tại nơi cột trâu, dê, heo. Khấn xong, U Già phân phát cho dân làng mỗi người một miếng thịt trâu. Các tổ, nhóm được phân công làm thịt trâu tiếp tục phân từng phần thịt cho các hộ dân, nhiều hay ít tùy theo số nhân khẩu trong hộ.
Nghi lễ kết thúc, già làng dẫn toàn bộ dân làng về nhà rông tổ chức uống rượu mừng. Ở giữa nhà rông, những ghè rượu xếp thành hàng thẳng tắp, các món ăn cũng được bày biện sẵn sàng. Già làng là người uống can rượu đầu tiên của ghè rượu to nhất đặt ở giữa nhà rông. Tiếp đến là những người có uy tín, được trọng vọng rồi tới toàn bộ dân làng. Khi rượu đã ngà say, thanh niên nam, nữ vừa uống rượu vừa hát múa theo nhịp cồng chiêng âm vang. Phần hội cứ thế tiếp diễn đến tối để mừng nhà rông mới, tạ ơn Giàng và cầu mong cho mùa màng bội thu, dân làng no đủ, khỏe mạnh.
Tôi chếnh choáng rời nhà rông khi bóng đêm đã phủ kín núi rừng. Phía trong nhà rông lửa vẫn bập bùng cháy, tiếng hát múa vẫn vang lên át cả tiếng gió rít của rừng đêm…