Phụ gia thực phẩm là những chất không được coi là thực phẩm hoặc một thành phần của thực phẩm. Phụ gia thực phẩm có rất ít hoặc không có giá trị dinh dưỡng, được chủ động cho vào thực phẩm với mục đích đáp ứng yêu cầu công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến, xử lý bao gói, vận chuyển, bảo quản thực phẩm.
Chi cục ATVSTP TP.HCM kiểm tra hoạt động kinh doanh phụ gia thực phẩm ở chợ Kim Biên (TP.HCM). Ảnh: TRẦN NGỌC
Phát sinh chất độc hại do phản ứng hóa học
Hiện nay, thế giới có khoảng 3.000 phụ gia thực phẩm khác nhau. Một ít trong số đó được biết là gây ung thư và dĩ nhiên bị cấm cho vào thực phẩm. Nhưng ngay cả phụ gia thực phẩm cho phép, ở một số người, những phụ gia này có thể gây ra phản ứng dị ứng. Một số phụ gia thực phẩm khác có thể gây hại cho phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh, người cao huyết áp, người có vấn đề về thận…
Các phụ gia thực phẩm được coi là an toàn khi dùng riêng lẻ. Song hiếm có một thực phẩm chỉ dùng một loại phụ gia duy nhất mà thường sử dụng nhiều loại phụ gia thực phẩm khác nhau. Khi dùng nhiều loại phụ gia thực phẩm khác nhau thì không ai đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng vì khi kết hợp, trong quá trình chế biến có thể phát sinh những chất độc hại do phản ứng hóa học hay do tác động vật lý.
Phụ gia thực phẩm… ảo
Tại sao người ta cho nhiều phụ gia thực phẩm trong cùng một sản phẩm? Điều này dễ hiểu bởi khi một sản phẩm có chất lượng nguyên liệu không tốt hay dễ bị hư thì người ta sẽ cho phụ gia vào để đánh lừa người tiêu dùng. Chẳng hạn hạt bắp rang đen rồi xay, cho thêm màu caramel, hương cà phê, chất tạo đắng, chất tạo độ dính, chất chống mốc, chất chống vón… là có ngay sản phẩm cà phê hấp dẫn mà không cần có hạt cà phê. Hoặc các sản phẩm làm từ thịt, chỉ cần cho thêm hương thịt là có ngay sản phẩm “đầy” thịt…
Theo quy định, thực phẩm phải ghi đầy đủ các chất phụ gia được sử dụng lên nhãn thực phẩm. Nhưng thực tế có một số sản phẩm mà người tiêu dùng không dễ dàng tìm được các thông tin trên nhãn thực phẩm vì được in rất nhỏ, hầu như không thể đọc nếu thiếu kính… lúp. Ngoài ra, không ít nhà sản xuất đưa ra danh sách “ảo” của các thành phần phụ gia thực phẩm. Một số gói thực phẩm “tuyên bố” có “hương vị tự nhiên”, “tất cả là thành phần tự nhiên”, “không chứa chất bảo quản”… Điều này không có nghĩa không có chất phụ gia độc hại trong thực phẩm.
Cách đơn giản nhất để bảo vệ sức khỏe chính mình là phải biết cách đọc nhãn bao bì và những thông tin liên quan. Bộ Y tế nước ta và các tổ chức từ trước tới nay đều quy định những chất phụ gia thực phẩm đã được nghiên cứu kỹ và xác định không độc hại thì mới cho phép sử dụng. Còn các phụ gia chưa được xác định tác dụng độc hại thì cấm.
Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM, hiện thành phố quản lý hơn 2.660 cơ sở sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm. Trong năm 2015, chi cục kiểm tra gần 590 cơ sở và phát hiện 210 cơ sở sai phạm các điều kiện ATVSTP. Chi cục phạt tổng cộng trên 149 triệu đồng. Sai phạm chủ yếu liên quan đến các quy định thực hành ATVSTP, điều kiện cơ sở, điều kiện trang thiết bị và dụng cụ, điều kiện bảo quản thực phẩm, sử dụng phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm, công bố sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP… Chi cục cũng lấy 89 mẫu phụ gia thực phẩm xét nghiệm. Kết quả 10 mẫu (hơn 20%) không đạt chỉ tiêu lý hóa và vi sinh. |
Đơn vị tài trợ:
Chi nhánh Công ty TNHH TM-DV Chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc