Tại một hội thảo tổ chức mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, ở một số thời điểm nước Mỹ cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất, thay vào đó sẽ bán cho người dân chứng chỉ vàng (ETF).
Người dân mua chứng chỉ vàng đó và được công nhận sở hữu số lượng vàng mua. Mỹ không giới hạn người dân mua chứng chỉ này.
Nghĩa là người dân mua bao nhiêu lượng vàng cũng được từ chứng chỉ này, trừ việc sở hữu vàng vật chất như thường thấy. Nhờ đó, người dân mua vàng dễ dàng và không sợ bị hạn chế giao dịch, cũng như có tính thanh khoản tốt.
Điều này cho phép ngân hàng trung ương vẫn nắm giữ lượng vàng vật chất, để phục vụ cho dự trữ ngoại hối đảm bảo giá trị đồng tiền.
Theo tiến sĩ Huân, người dân có thể mua bán chứng chỉ quỹ này trên thị trường. Thậm chí, khi người dân cần tiền, đem chứng chỉ vàng đến ngân hàng để đổi ra tiền theo giá vàng vật chất.
"Sau khoảng thời gian dài người dân quen giao dịch chứng chỉ vàng, giúp định hình thị trường vàng theo hướng tích cực hơn.
Thứ nhất, chứng chỉ quỹ này giúp giảm đi tính hấp dẫn của thị trường vàng. Vì người dân cầm tờ giấy so với vàng thật sẽ có quan điểm khác nhau về mặt giá trị. Thứ hai, nó tạo ra sự minh bạch.
Với những tính tích cực như kể trên thì Việt Nam cũng nên cần có các nghiên cứu và thí điểm chứng chỉ vàng ở trong dân" - tiến sĩ Huân khuyến nghị.