Sớm ngày 25-9, bà M, trú tại Hà Đông, Hà Nội qua đời ở tuổi 75. Con trai bà M là bác sĩ Nguyễn Lê Trung, Phó Chủ nhiệm bộ môn - Khoa mắt, Bệnh viện Quân y 103 (Hà Nội) đã gọi điện đến Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 để xin hiến tặng giác mạc của mẹ mình, thực hiện di nguyện cuối cùng của bà.
Ngay lập tức, ekip của Ngân hàng Mô đã di chuyển đến nơi để lấy giác mạc.
2 cuộc đời được thắp sáng
Trong suốt quá trình các bác sĩ, nhân viên y tế thu nhận “viên ngọc sáng” từ bà M, con trai bà chỉ đứng lặng lẽ ở góc phòng.
Bác sĩ Trung kìm nén mọi xúc động, mất mát, chờ đến khi các kỹ thuật viên hoàn thành xong công việc của mình, anh mới tiến lại gần, đặt tay lên mái tóc của mẹ, rồi ôm mẹ, bật khóc khiến nhiều người có mặt trong buổi sáng hôm ấy vô cùng xúc động.
“Sau khi nhận được cuộc gọi từ sáng sớm, ngay lập tức chúng tôi lên đường. Thú thực là tôi cảm thấy mừng khi biết sẽ có hai người có thể tìm lại được ánh sáng.
Nhưng khi đến nơi và thực hiện xong ca lấy giác mạc, sống mũi tôi cay cay, xúc động vô cùng khi thấy bác sĩ Trung ôm mẹ lần cuối cùng sau khi quyết định hiến tặng giác mạc của bà”, kỹ thuật viên Lê Đức Anh, Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, chia sẻ.
Bà M nguyên là cán bộ khoa Dược - Bệnh viện Quân y 103. Lúc sinh thời, bà từng đọc được bức thư cảm ơn của Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam gửi tới nơi mình làm việc.
Từ đó, dù biết mình mang trong người nhiều bệnh nền nên không thể hiến tạng, bà M vẫn khao khát được cho đi, dâng hiến. Bà bày tỏ di nguyện muốn hiến tặng giác mạc của mình để giúp đỡ những người mù lòa, giúp họ gạt đi bóng tối, nhìn thấy ánh sáng.
Ngay trong ngày 25-9, hai giác mạc của bà M đến được với những người cần. Một trong hai người may mắn nhận được giác mạc của bà M là một bệnh nhân tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2.
Người phụ nữ hơn 50 tuổi này mắc bệnh loạn dưỡng giác mạc có tính chất di truyền, phải sống trong cảnh mù lòa đã hơn một thập kỷ.
Ca phẫu thuật ghép giác mạc kéo dài vỏn vẹn 45 phút, nhưng đã thay đổi cả một cuộc đời. Tỉnh dậy từ ca phẫu thuật ấy, dù đầu óc chưa thực sự minh mẫn, người nhận giác mạc cho biết tâm trạng rất phấn chấn.
Vài tiếng sau đó, khi mở mắt ra và nhìn thử những người xung quanh, người phụ nữ trung niên vỡ òa trong sung sướng với những gì đang nhìn thấy trước mắt. Hơn 10 năm qua, bà chỉ thấy ánh sáng, hoàn toàn không thấy hình người.
Sau ca ghép và điều trị có 4 ngày, độ nét dần tăng lên rõ rệt, hiện bà có thể nhìn rõ mọi vật, mọi người.
“Đó là mơ ước suốt 10 năm qua của tôi, giờ tôi chỉ mong sớm được về nhà để nhìn thấy người thân của mình”, người phụ nữ nhận giác mạc xúc động.
Nguồn giác mạc hiến trong nước còn rất ít
Ca lấy - ghép giác mạc trên là ca đầu tiên tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 mà giác mạc được hiến từ một người Việt Nam. Phần lớn nguồn giác mạc được ghép cho các bệnh nhân vẫn phải nhập từ nước ngoài, đặt hàng trước.
Theo PGS Hoàng Thị Minh Châu - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, hiện nhu cầu được ghép giác mạc ở Việt Nam rất lớn, nhưng nguồn giác mạc hiến vô cùng khan hiếm.
Trong khi đó, những yêu cầu đối với giác mạc hiến không quá khắt khe, ngặt nghèo như đối với các tạng khác. Giác mạc có thể được lấy từ người chết chứ không cần phải là từ người chết não; giác mạc có thể bảo quản được trong một thời gian nhất định, độ tương thích giữa người hiến và người nhận cũng không quá phức tạp, người lớn tuổi vẫn có thể hiến giác mạc…
“Ghép giác mạc giúp người bệnh tìm lại nguồn sáng cho đôi mắt của mình. Phẫu thuật này có tỉ lệ thải ghép thấp, quá trình sử dụng thuốc chống thải ghép không quá phức tạp và tốn kém như các tạng khác, quá trình thực hiện cũng nhanh hơn.
Sau ghép khoảng 1 tuần, người bệnh gần như có thể tự sinh hoạt cơ bản”, PGS Hoàng Thị Minh Châu nói.
Tuy nhiên, bởi số lượng giác mạc hiến tại Việt Nam còn quá thấp, trong khi nhiều nguồn hiến trong nước bị lãng phí, khiến rất nhiều người trong danh sách chờ đang phải mong mỏi từng ngày để thấy được ánh sáng.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Mô - Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 sẽ đẩy mạnh các hoạt động vận động hiến giác mạc trong nước, xây dựng các điểm vận động hiến giác mạc vệ tinh, tăng cường đào tạo cho địa phương, phối hợp với các sở y tế, hội chữ thập đỏ… để gia tăng số người hiến giác mạc.
Việt Nam có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được phẫu thuật ghép giác mạc, tìm lại ánh sáng.
Tuy nhiên, từ năm 1950 đến nay mới có khoảng 5.000 người được phẫu thuật ghép giác mạc.