Hiến tạng phải tốn tiền: Ách tắc 10 năm

Hiến mô, tạng và các bộ phận cơ thể người là một trong những hoạt động mà Bộ Y tế cũng như xã hội thời gian gần đây vô cùng khuyến khích. Vài năm trở lại đây, càng nhiều câu chuyện nhân văn về hiến tạng đã mang lại hiệu ứng tốt, lan tỏa một nghĩa cử cao đẹp đến với xã hội. Thế nhưng bên cạnh những điểm sáng đó vẫn còn khá nhiều tồn tại khiến người dân không mấy mặn mà với hiến tạng.

“Chỉ người giàu mới dám hiến thận”?

Nếu như đối với những trường hợp hiến các mô tạng khi đã chết, người hiến luôn nhận được sự giúp đỡ từ các trung tâm điều phối và hiến các mô tạng mà không gặp khó khăn gì nhiều thì đối với người sống muốn hiến thận cho các trung tâm, có nhiều người đang gặp phải khá nhiều khó khăn, nhất là về tài chính.

Đã từng có mong muốn được hiến thận trái cho y học, bà LTTH (55 tuổi, ngụ huyện Thanh Oai, Hà Nội) cho biết năm 2010, khi biết cháu gái có nhu cầu ghép thận, bà H. đã tình nguyện hứa với gia đình sẽ cho đứa cháu quả thận bên trái.

Sau khi đến bệnh viện thực hiện các thủ tục xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe, bà được biết bệnh viện luôn hỗ trợ và trân trọng bất cứ ai có nhu cầu hiến thận. Tuy nhiên, bệnh viện cũng giải thích rõ vì quy định hiện tại, bà H. phải trả phí làm thủ tục xét nghiệm.

“Tôi đồng ý vì nghĩ có bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả một phần, do đó số tiền xét nghiệm chắc cũng không đáng bao nhiêu. Thế nhưng tổng cộng trước và sau khi hiến xong thận cho cháu tôi, gia đình tôi phải trả gần 17 triệu đồng, cả chi phí hồi phục sức khỏe. Gia đình tôi khá bức xúc về vấn đề này nhưng nghĩ cháu tôi đã sống tốt nên chúng tôi cũng không muốn nhắc nhiều” - bà H. chia sẻ.

Một ca ghép thận căng thẳng tại BV Chợ Rẫy. Ảnh: H.PHƯỢNG

Thực tế, đối với nhiều trung tâm, bệnh viện có trách nhiệm nhận hiến các mô tạng, các bác sĩ đều luôn tạo điều kiện và linh động hết sức có thể cho bệnh nhân vì đó là nghĩa cử cao đẹp. Cũng theo quan điểm của họ, việc thay đổi quy định là cần thiết trong thời gian tới.

Theo đó, một bác sĩ trong ngành hiến thận đánh giá khó khăn hiện nay chi phối lượng người hiến thận chính là chi phí xét nghiệm thận. Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (gọi tắt Luật Hiến tạng) có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 quy định người sống hiến tạng được mua BHYT miễn phí nhưng cơ quan nào mua cho những người đó thì ông cũng không biết.

“Trong khi đó, người có BHYT làm các xét nghiệm hiến thận (tầm soát, khoảng 20 triệu đồng) không được BHYT chi trả nhưng phẫu thuật lấy thận thì được chi trả. Còn người không có BHYT thì phải tự chi trả cả hai kỹ thuật này. Vô hình trung điều này làm những người giàu mới dám đi xét nghiệm hiến thận chứ người nghèo không có điều kiện vì sợ cho thận còn gánh thêm nợ” - vị bác sĩ này nhận định.

Nhiều người muốn hiến phải bỏ cuộc

Đối chiếu Luật Hiến tạng có hiệu lực từ ngày 1-7-2007 quy định quyền lợi của người đã hiến mô, bộ phận cơ thể người: Được chăm sóc, phục hồi sức khỏe miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến bộ phận cơ thể người tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí; được cấp thẻ BHYT miễn phí; được ưu tiên ghép mô, bộ phận cơ thể người khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế; được tặng kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân theo quy định của bộ trưởng Bộ Y tế…

Căn cứ vào quy định đó, ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế, nêu rõ: Hiện nay, việc để người tình nguyện hiến tặng mô, tạng thực hiện được nghĩa cử cao đẹp phải thanh toán một loạt xét nghiệm y học nghiêm ngặt, chặt chẽ để bảo đảm tính tương thích, hòa hợp giữa người hiến và người ghép là một thực tế.

“Chúng tôi cũng xem đây là một lỗ hổng trong chính sách khuyến khích người hiến tặng mô, tạng khi còn sống. Vì thực tế có rất nhiều người đến Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người để đăng ký hiến tặng mô, tạng nhưng vì phải tự trả chi phí cho việc xét nghiệm nên họ bỏ cuộc” - ông Nguyễn Hoàng Phúc cho hay.

Bất cập nhất dẫn đến việc này là do quy định giữa Luật Hiến tạng và quy định chi trả BHYT chưa có sự thống nhất. Cụ thể, bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện tại chưa có văn bản dưới luật nào quy định về việc chi trả này. Còn Luật Hiến tạng quy định sau khi hiến tạng, người hiến được cấp BHYT miễn phí. Nhưng ai sẽ bỏ tiền ra chi trả cho chi phí mổ, trích từ nguồn ngân sách nào, trước và sau mổ cần làm những xét nghiệm gì... thì lại chưa có quy định.

Căn cứ Thông tư 41 về việc hướng dẫn thực hiện BHYT, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, cho biết: “Việc cấp thẻ BHYT đối với người đã hiến bộ phận cơ thể, theo quy định của pháp luật được thực hiện như sau: Cơ sở y tế nơi lấy bộ phận cơ thể người có trách nhiệm ghi rõ “Đã hiến bộ phận cơ thể” trên giấy ra viện; từ đó tổ chức BHXH căn cứ giấy ra viện mà cấp thẻ BHYT cho người đã hiến bộ phận cơ thể và thông báo tới UBND cấp xã nơi người đó cư trú; thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày người đã hiến bộ phận cơ thể ra viện.

Nên kiến nghị lên bộ trưởng Bộ Y tế

Người hiến tặng mô, tạng đã hiến tặng bộ phận cơ thể của họ thì sau đó khi họ bị ốm đau, bệnh tật, quỹ bảo hiểm sẽ chi trả cho họ. Còn quy định về xét nghiệm BHXH chưa có văn bản nào, do đó theo tôi, phía những người làm y tế nên đưa kiến nghị lên bộ trưởng Bộ Y tế để bộ trưởng có ý kiến trong việc sửa đổi chính sách đó.

ông Lê Văn PhúcPhó Trưởng ban phụ trách 
Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam

Phải có quy định bảo đảm quyền lợi cho người hiến

Luật BHYT đã quy định rất rõ về quyền lợi người hiến mô, bộ phận cơ thể người hoặc hiến xác sau khi chết. Những người hiến mô, tạng đều có giấy chứng nhận và chỉ cần có giấy chứng nhận này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí.

Tuy nhiên, hiện chưa có quy định riêng với tiêu chí cụ thể cho những người hiến mô, tạng. Thời gian tới các cơ quan liên quan chắc chắn sẽ phải tính tới các quy định riêng để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Đại diện Vụ BHYT, Bộ Y tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm