(PLO)- Tỉnh Khánh Hòa thành lập tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ, giám sát giúp thị xã Ninh Hòa đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ cam kết với Thủ tướng.
Như PLO đã thông tin, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa quyết định thành lập tổ công tác để hỗ trợ, giám sát công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa. Tổ công tác có 11 người, do ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh, làm tổ trưởng. Động thái trên được thực hiện do công tác giải phóng mặt bằng ở hai dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn thị xã Ninh Hòa diễn ra chậm, nguy cơ làm vỡ tiến độ. Trong đó, đặc biệt là dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nối hai tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Đắk Lắk. Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa (Ban QLDA tỉnh, đơn vị chủ đầu tư), công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư được tỉnh giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Ninh Hòa (Trung tâm quỹ đất) thực hiện từ tháng 4-2023. Đến nay, đã thực hiện 84 đợt với tổng số trường hợp chi trả tiền 846/1.043 trường hợp, đạt 81,11%, tương ứng với diện tích dự án: 180,68/228,17 ha đạt 79,18%. Giá trị giải ngân đạt 253,76 tỉ đồng. Đến nay, Trung tâm quỹ đất đã bàn giao mặt bằng cho Ban QLDA tỉnh được hơn 28 km, đạt 89,42%. Hiện còn vướng giải phóng mặt bằng các đoạn qua khu vực dân cư phải bố trí tái định cư, các đoạn phải di dời hạ tầng. Trong đó đoạn từ Km0 - Km20 kết nối Quốc lộ 1 đến Quốc lộ 26 có 20 km nằm trong 3.000 km đường bộ cao tốc hoàn thành vào cuối năm 2025 do Thủ tướng đề ra hiện còn vướng 14 đoạn qua khu vực dân cư. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hồng Hải, Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, cho biết khó khăn lớn nhất trong việc giải phóng, bàn giao mặt bằng là công tác kiểm kê, đền bù do vướng luật mới ban hành. Tại buổi làm việc với Tổ công tác của UBND tỉnh Khánh Hòa, bà Hải đề xuất tỉnh nghiên cứu cho phép phê duyệt các phương án bồi thường đã được niêm yết trước khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực để sớm bàn giao mặt bằng. Ông Trần Hòa Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh, tổ trưởng tổ công tác yêu cầu UBND thị xã Ninh Hòa nhanh chóng hoàn thành các phương án bồi thường, ban hành các quyết định thu hồi đất. Về phương án thực hiện, ông Nam yêu cầu các Sở TN&MT, Tư Pháp,... tham mưu, hỗ trợ thị xã Ninh Hòa đúng quy định pháp luật. Trong ảnh, ông Trần Hòa Nam kiểm tra thực tế những điểm vướng mắc tại hai dự án trọng điểm ở thị xã Ninh Hòa. Ngoài vướng mắc hạ tầng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột còn vướng việc di dời hạ tầng cơ sở. Theo Ban QLDA tỉnh, đối với đường dây 220kV (3 vị trí giao chéo) gồm 12 vị trí móng, dù Trung tâm quỹ đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng đơn vị và nhà thầu đã vận động các hộ dân bàn giao trước mặt bằng để triển khai thi công được 6/12 vị trí móng trụ. Đối với các vướng mắc, ông Trần Hòa Nam chỉ đạo UBND thị xã Ninh Hòa sớm xây dựng phương án đền bù tái định cư đối với các hộ dân, vận động để người dân đồng thuận. Về bảng giá đất, UBND thị xã Ninh Hòa phải mời đơn vị tư vấn xác định lại giá đất theo quy định mới. "Các công tác này phải hoàn thành trước ngày 23-10"- ông Nam chỉ đạo. Theo Ban QLDA tỉnh, đến nay đã triển khai thi công 28/31,5 km của dự án thành phần 1. Khối lượng thực hiện khoảng 22,24 % hợp đồng. "Ban QLDA tỉnh đánh giá cao sự chủ động phối hợp của các bên liên quan trong quá trình thực hiện dự án. Nhờ đó, đến nay tuyến còn 14 điểm nghẽn vướng giải tỏa nhà phải chờ tái định cư nhưng các hộ dân đã đồng thuận cho nhà thầu mở các đường công vụ xuyên qua khu nhà để thông tuyến vận chuyển máy móc, nguyên vật liệu"- ông Phạm Văn Hòa, Phó giám đốc Ban QLDA tỉnh nói. Ban QLDA kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND thị xã Ninh Hòa đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, sớm xử lý các trường hợp còn vướng mắc và bàn giao hết mặt bằng tại các vị trí vướng nêu trên để sớm triển khai thi công. Cũng theo ông Hòa, ngoài vấn đề vướng mặt bằng, về cơ bản dự án vẫn đảm bảo hoàn thành đúng theo tiến độ của Thủ tướng đề ra vào cuối năm 2025. Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, khởi công hồi tháng 6-2023. Dự án có tổng mức đầu tư 21.935 tỉ đồng, được chia thành ba dự án thành phần. Trong đó UBND hai tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 và 3, Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản dự án thành phần 2.