Ngày 27-3, tại phủ tổng thống ở Manila, trưởng đoàn đàm phán hòa bình Coronel-Ferrer và trưởng đoàn đàm phán của tổ chức ly khai Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro Mohager Iqbal đã ký kết hiệp định hòa bình lịch sử chấm dứt 40 năm xung đột.
Hiệp định mang tên Hiệp định toàn diện về Bangsamoro (Bangsamoro được gọi tắt là Moro, là cộng đồng dân cư ở Mindanao vào thời điểm thực dân Tây Ban Nha xâm chiếm Philippines).
Báo Phil Star (Philippines) cho biết lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của 1.000 quan khách, trong đó có Tổng thống Benigno Aquino, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro Al Haj Murad Ebrahim và Thủ tướng Malaysia Najib Razak, người trung gian thương lượng.
Các tay súng Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro ủng hộ hiệp định hòa bình tại căn cứ ở tỉnh Sultan Kudarat ngày 27-3. Ảnh: GETTY IMAGES
Để đi đến hiệp định, chính phủ Philippines và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro phải mất 17 năm đàm phán nhọc nhằn. Hãng tin GMA News (Philippines) cho biết Hiệp định toàn diện về Bangsamoro gồm các điểm chính như sau:
Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro đồng ý từ bỏ yêu sách thành lập quốc gia riêng ở Mindanao và nhất trí thành lập khu tự trị Bangsamoro hoạt động theo chế độ đại nghị vào năm 2016 thay cho khu tự trị Hồi giáo Mindanao. Khu tự trị Bangsamoro gồm năm tỉnh, hai thành phố, sáu thị trấn và 39 làng (chiếm 10% diện tích Philippines).
Sau khi Quốc hội Philippines thông qua Luật Cơ bản Bangsamoro vào cuối năm 2014, Ủy ban Chuyển tiếp Bangsamoro sẽ được thành lập để quản lý vùng Mindanao đến khi nghị viện Bangsamoro được bầu vào năm 2016.
Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro nhất trí giải thể lực lượng vũ trang và giải giáp vũ khí. Cảnh sát địa phương sẽ được thành lập để đảm nhiệm các chức năng của cảnh sát và quân đội Philippines tại khu tự trị Bangsamoro.
Chính phủ Philippines giữ lại đặc quyền về các vấn đề quốc phòng, ngoại giao, tiền tệ và quốc tịch tại khu tự trị Bangsamoro.
Chính quyền khu tự trị Bangsamoro sẽ nhận 75% doanh thu các loại thuế, phí; 75% doanh thu từ khai thác khoáng sản kim loại tại Mindanao và kiểm soát khu vực đánh bắt 12 hải lý tính từ bờ biển đảo Mindanao.
Luật Hồi giáo Sharia chỉ áp dụng cho cộng đồng Hồi giáo trong các vụ án dân sự. Người dân ở khu tự trị Bangsamoro được bảo đảm các quyền cơ bản về đi lại, riêng tư, tự do tôn giáo và ngôn luận.
Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng thống Benigno Aquino ghi nhận sẽ còn nhiều cản trở trên con đường xây dựng hòa bình nhưng nhấn mạnh hiệp định là cơ hội để chấm dứt vòng luẩn quẩn gồm nghèo đói - bất công - bạo lực.
Chủ tịch Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro Al Haj Murad Ebrahim cam kết sẽ từ bỏ đấu tranh vũ trang và sẽ không giành quyền kiểm soát độc quyền trong bộ máy chính quyền khu tự trị Bangsamoro.
Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển LHQ (UNDP) Helen Clark tuyên bố Hiệp định toàn diện về Bangsamoro sẽ mở ra hòa bình bền vững ở Mindanao. Bà ghi nhận LHQ sẽ hợp tác với chính phủ Philippines để bảo đảm hiệp định được thực hiện đúng đắn.
LÊ LINH
Năm 1976, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro tách ra từ tổ chức Mặt trận Giải phóng quốc gia Moro vì bất đồng trong mục tiêu đấu tranh đòi ly khai. Hiện nay Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro là tổ chức nổi dậy lớn nhất Philippines với 10.000 tay súng. Tổ chức này đòi thành lập quốc gia riêng cho cộng đồng Hồi giáo ở miền Nam Philippines. Tháng 10-2012, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro đã ký kết hiệp định khung hòa bình với chính phủ. |