Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam vừa có văn bản gửi Thủ tướng, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, bộ trưởng Bộ Tài chính, bộ trưởng Bộ Công Thương nêu kiến nghị về vấn đề giảm thuế nhập khẩu gia cầm.
Văn bản cho biết trong những năm qua, người sản xuất gia cầm trong nước đã và đang phải gồng mình chống đỡ với sản phẩm thịt gà nhập khẩu giá rẻ từ các nước Mỹ, Brazil, Hàn Quốc và một số nước EU.
Chỉ tính riêng trong chín tháng đầu năm 2019, cả nước đã nhập khẩu hơn 200.000 tấn thịt gà với kim ngạch hơn 180 triệu USD, tính bình quân khoảng 20.000 đồng/kg.
Nhiều ý kiến lo ngại nếu giảm thuế nhập khẩu thịt gà lúc này sẽ gây khó khăn cho sản xuất thịt gà trong nước. Ảnh: THU HÀ
Ước tính cả năm 2019, số lượng thịt gà nhập khẩu vào khoảng 250.000-260.000 tấn, tăng hơn 50% so với năm 2018. Đây là mức tăng đột biến trong 10 năm gần đây. Các chuyên gia nhận định rằng, chính sự gia tăng nhập khẩu thịt gà là một trong các nguyên nhân tạo ra cú sốc về giảm giá thịt gà trong nước xuống mức thấp nhất của 10 năm gần đây.
Cụ thể, giá thịt gà đầu năm và cuối năm 2019 đã có sự chênh lệch lớn, từ 29.000-35.000 đồng/kg thịt gà hơi đã giảm chỉ còn 15.000-16.000 đồng/kg thịt gà hơi, chỉ bằng một nửa giá thành sản xuất.
Với những tác động bất lợi và rủi ro như trên, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam đưa ra ba kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành. Đó là đề nghị cần xem xét chưa giảm thuế nhập khẩu gia cầm trong giai đoạn 2020-2025, nên vẫn giữ nguyên thuế xuất nhập khẩu sản phẩm gia cầm 20% từ nay đến năm 2025.
Nếu như bắt buộc phải cắt giảm thuế nhập khẩu thịt gà, thì chỉ nên giảm thuế nhập khẩu đối với một số ít sản phẩm. Cụ thể, chỉ giảm 1%-2% thuế nhập khẩu thịt ức gà. Đối với gà chặt đầu, đùi, cổ cánh và chân gà không nên giảm thuế nhập khẩu trong năm năm tới.
Ngoài ra, để bảo vệ sản xuất trong nước, tránh tình trạng nhập khẩu các sản phẩm gia cầm ồ ạt, không kiểm soát được chất lượng, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, hiệp hội đề nghị các bộ, ngành cần sớm xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo đó, đối với các nước có sản phẩm xuất khẩu, trong quá trình giết mổ, không được dùng nước clorin để xử lý mầm bệnh thịt gia cầm sau khi giết mổ (theo quy định của các nước EU cấm sử dụng nước clorin để khử trùng thịt gà sau khi giết mổ). Không làm lạnh sản phẩm gia cầm bằng các loại khí ảnh hưởng đến hiệu ứng nhà kính. Xem xét việc thực thi các quy định về đối xử nhân đạo đối với động vật trong quá trình nuôi và giết mổ tại các nước có sản phẩm gia cầm xuất khẩu sang nước ta.
Trước đó, vào đầu tháng 12-2019, Bộ Tài chính đã có công văn gửi xin ý kiến các bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định 125/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016 về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi... Đáng chú ý, Bộ Tài chính đề xuất trước mắt giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh từ 20% xuống 18%.