Hiệu quả thực sự các “bài thuốc gia truyền” trị COVID-19 trên mạng

Sáng 19-8, phóng viên PLO được người bạn cho xem một bài thuốc gia truyền đang được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.

Diệt được virus gây COVID-19?

Nội dung như sau: “Một lương y miền Nam áp dụng bài thuốc gia truyền này và đã chữa khỏi những người bị COVID-19”.

“Bài thuốc” được giới thiệu: Lấy một củ tỏi lột sạch vỏ đâm nhuyễn để tạo ra chất alisil. Sau đó, cho tỏi vào một lít nước sôi để xông mặt.

Hít thật mạnh bằng mũi và miệng để hỗn hợp hơi nước và alisil đi vào phổi. Chất alisil có tác dụng diệt virus rất nhanh. Ngoài ra, alisil còn là chất chống đông máu và làm tan các cục máu đông. Đây là một trong những nguyên nhân gây đông đặc phổi, gây khó thở và tử vong.

Một bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị. Ảnh: BVCC

Nếu đã nhiễm COVID-19 thì 1 ngày xông 3 lần sau bữa ăn. Bệnh nhẹ thì 3 ngày, còn nặng thì 5 ngày sẽ khỏi. “Bài thuốc” này đặc biệt chữa khỏi cả những người mắc COVID-19 có bệnh nền cao.

Nếu để phòng lây nhiễm COVID-19, chỉ xông 1 lần vào mỗi buổi chiều.

Trước đó, mạng xã hội cũng lan truyền “bài thuốc” nuốt giun đất sống để trị COVID-19.

Người đăng tải khẳng định một phụ nữ ở Bình Dương khỏi bệnh COVID-19 sau 5 ngày nuốt giun sống và có sử dụng thêm địa long sấy khô.

TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết hiện không có cơ sở khoa học chứng mình xông tỏi trị được bệnh COVID-19.

“Tỏi xưa nay chỉ dùng để ăn, không ai dùng tỏi để xông. Nếu có xông thì dùng các loại lá với hy vọng sức nóng và tinh dầu của lá diệt được virus ở hầu họng. Nói thẳng ra, xông tỏi hoặc xông lá với mục đích điều trị COVID-19 hại thì không hại nhưng chẳng biết có lợi hay không vì khoa học chưa chứng minh” – TS-BS Lan cho biết thêm.

Liên quan đến việc trị COVID-19 bằng cách nuốt giun đất, TS-BS Lan cho rằng “bài thuốc” này tệ hơn “bài thuốc” xông tỏi và chẳng có cơ sở khoa học.

“Virus gây COVID-19 “nằm vùng” ở hầu họng. Sau đó phát triển toàn thân, đặc biệt vùng phổi. Điều trị COVID-19 là phải làm sạch vùng hầu họng để ngừa sự phát triển của virus. Giun đất được nuốt vào chẳng thể diệt virus ở hầu họng” – TS-BS Lan giải thích.

Theo TS-BS Lan, giun đất mang nhiều ký sinh trùng. Do vậy, khi nuốt sống sẽ gây hại hệ tiêu hóa và nhiều bộ phận khác trong cơ thể. “Nuốt giun đất chẳng khác bôi phân bò lên người từng xảy ra ở Ấn Độ. Chẳng những không hết COVID-19 mà còn ôm thêm bệnh vào người” – TS-BS Lan nói.

Đồng quan điểm trên, BS Phùng Anh Tuấn, Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết thêm người mắc COVID-19 nuốt giun đất dễ có nguy cơ mắc thêm các bệnh nhiễm trùng khác vì giun đất mang nhiều ký sinh trùng gây hại.

“Điều này khiến bệnh nhân COVID-19 thêm nặng và nguy cơ tử vong cao” – BS Tuấn lưu ý. 

 

Thực hiện 5K để ngằn ngừa nhiễm COVID-19

Thực hiện 5K (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tập trung – khai báo y tế) của Bộ Y tế, chấp hành quy định giãn cách xã hội của Thủ tướng Chính phủ, tiêm vaccine COVID-19  là bài thuốc có hiệu quả trong việc ngăn ngừa dịch bệnh này. Bên cạnh đó, nâng cao thể lực để tăng cường sức đề kháng bằng cách tập thở, thư giãn.

Các thuốc điều trị COVID-19 phải được chứng minh khoa học. Cho nên hiện tại không ai dám khẳng định có thuốc điều trị mà chỉ nói thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19.

TS-BS TRƯƠNG THỊ NGỌC LAN, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm