Hiểu sai, làm ngược về báo cáo ĐTM

Tuy vậy, đánh giá thì vẫn đánh giá, tác động thì vẫn tác động, môi trường suy thoái thì vẫn suy thoái.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ TN&MT), Phó Chủ tịch Hội ĐTM Việt Nam, cho rằng hiện nay ở Việt Nam cách hiểu về ĐTM có nhiều sự nhầm lẫn, ngay từ tên gọi trở đi: “Trong tiếng Anh, họ gọi là “Environmental Impact Assessment”. Đúng ra phải dịch là “Dự báo Tác động Môi trường” mới đúng bản chất của công cụ này và sát nghĩa với từ “assessment”. Điều này là một phần nhỏ trong cách hiểu nhiều sai lệch về ĐTM ở Việt Nam”. (Assessment, tiếng Anh có nghĩa là đánh giá hoặc ước tính, ước đoán, ví dụ: ước tính giá trị tài sản thanh lý, ước tính số tiền thuế phải nộp… - PV).

Chọn địa điểm xong rồi thì còn lập ĐTM làm gì?

Theo quy định hiện hành của Chính phủ tại Nghị định 21/2008/NĐ-CP và 29/2011/NĐ-CP, hầu hết các dự án chỉ phải trình thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM sau khi địa điểm của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận! Điều này ngược lại với quy trình thẩm định báo cáo ĐTM thông thường.

TS Nguyễn Khắc Kinh cho biết: “Mục đích cơ bản, trước tiên và lớn nhất của ĐTM là để lựa chọn địa điểm dự án sao cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và sức chịu tải của các thành phần môi trường tự nhiên. Ví dụ, sức chịu tải của môi trường nước không còn tiếp nhận được nước thải nữa, thì anh có đổ vào cũng không được chứ chưa nói đến tiêu chuẩn môi trường của nước thải. Ở các nước, ĐTM là căn cứ để phê duyệt dự án, nếu không có thì không thể phê duyệt dự án ở địa điểm này, địa điểm kia được”.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một ví dụ về quy trình ngược trong việc thực hiện ĐTM, thể hiện ngay trong nghị quyết phê duyệt dự án của Quốc hội. Ngày 25-11-2009, 77% các đại biểu Quốc hội bấm nút đồng ý với việc triển khai xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, thuộc Ninh Thuận; đồng thời cũng giao cho Chính phủ thực hiện chín đầu mục công việc, trong đó có việc lập và phê duyệt báo cáo ĐTM. Theo kế hoạch của Ban Quản lý điện hạt nhân Ninh Thuận, báo cáo ĐTM của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2012. Nghĩa là đến ba năm sau khi được Quốc hội phê duyệt địa điểm, dự án mới có báo cáo ĐTM.

Đương nhiên, phục vụ cho việc lựa chọn địa điểm đầu tư dự án không phải là chức năng duy nhất của công tác ĐTM nhưng khi chức năng quan trọng và chủ yếu nhất của nó bị vô hiệu hóa thì ĐTM chỉ còn ý nghĩa “vuốt đuôi” cho xong thủ tục.

Cụ Đinh Văn Chót (75 tuổi, thôn 3, khu tái định cư xã Trà Đốc) ngồi vừa rầu vừa lo sợ vì chẳng biết tin ai khi động đất vẫn ầm ầm mà nhà cửa đang hư hỏng nặng. Ảnh: LÊ PHI

Thủy điện Sông Tranh - nhầm lẫn hai loại báo cáo

Tháng 12-2006, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lập báo cáo ĐTM do Phó Tổng Giám đốc Trần Văn Được ký, trong đó nêu rõ các luận cứ khoa học để đi đến kết luận: “Hồ thủy điện Sông Tranh 2 khi tích nước sẽ không có khả năng gây động đất kích thích”.

Theo TS Nguyễn Khắc Kinh, đây là biểu hiện của một quan niệm sai lầm về ĐTM ở Việt Nam. Vốn dĩ ĐTM chỉ có nhiệm vụ dự báo tác động của dự án đến các điều kiện tự nhiên, chứ không dự báo các rủi ro, sự cố do thiên nhiên và con người gây ra như bão, lũ, động đất, sóng thần.

“Mọi người cứ nhầm lẫn, cho rằng ĐTM phải dự báo động đất, động đất kích thích. Đó là khoa học dự báo rủi ro, với các thông tin đầu vào và phương pháp nghiên cứu khác. ĐTM chỉ làm cái việc là dự báo xem nếu xảy ra động đất ở khu vực dự án thì tác động của nó đến môi trường ra sao” - TS Kinh cho biết.

Trên thực tế, có sự nhầm lẫn giữa ĐTM và đánh giá rủi ro ở Việt Nam, khi gán ghép việc dự báo các yếu tố rủi ro cho ĐTM. Tuy nhiên, điều đáng nói là công tác đánh giá rủi ro ở Việt Nam lại chưa được coi trọng.

TS Nguyễn Khắc Kinh cho biết: “Ở các nước, khi triển khai các dự án, người ta đánh giá tất cả các loại rủi ro, bao gồm rủi ro thiên tai, rủi ro do nhân tạo, thậm chí cả rủi ro chính trị, kinh tế, tài chính,... Đối với một nhà máy thủy điện, quan trọng nhất là dự báo rủi ro nhưng họ không làm, lại đưa vào ĐTM”.

Không có số liệu, chất lượng ĐTM bị thả nổi

Có hai nguồn thông tin cơ bản để tiến hành công tác ĐTM: thông tin về đối tượng gây tác động (tức là bản thân dự án) và thông tin về đối tượng bị tác động (môi trường tự nhiên). Khi chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM, họ sẽ cần thông tin về tình trạng môi trường ở thời điểm hiện tại và dự báo ở tương lai, đặc biệt là thông tin về sức chịu tải của các thành phần môi trường như nước, không khí, đất, sinh vật,... Tuy vậy, họ không có cách nào để có được các thông tin này một cách chính xác, đồng bộ và đầy đủ, do sự yếu kém cả về quy mô lẫn chất lượng của hệ thống quan trắc môi trường ở nước ta.

TS Nguyễn Khắc Kinh nói: “Nếu không có số liệu theo dõi trên tổng thể, đo đạc trong một thời gian dài, có khi lên tới hàng chục năm, thì ông có giỏi đến mấy, ông có về tận hiện trường để đo được vài lần, vài tháng cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Có khi hôm nay đến đo thì ô nhiễm, mai thì không, nên nếu không có số liệu trong một thời gian dài thì không thể đánh giá được”.

Hiện nay trách nhiệm thực hiện báo cáo ĐTM thuộc về chủ đầu tư. Bộ TN&MT cùng UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Tuy vậy, cả người lập báo cáo lẫn người thẩm định, phê duyệt đều không có đầy đủ số liệu trong tay - hậu quả của hệ thống quan trắc, đo đạc yếu kém.

TS Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường:

Đạo đức của người lập ĐTM là vấn đề lớn

Chất lượng ĐTM thấp lắm vì không có thông tin. Trình độ, kinh nghiệm, lương tâm, đạo đức của người lập ĐTM là một vấn đề lớn. Nhưng kể cả họ có đủ những phẩm chất ấy mà thiếu thông tin thì cũng chịu. Có thể các nước ngày xưa họ cũng như mình hiện nay nhưng họ coi trọng môi trường nên đầu tư bài bản và đúng mức từ lâu, nên hiện giờ họ có dữ liệu quốc gia về quan trắc rất đầy đủ. Nếu bây giờ chúng ta cứ tiếc 100.000 đồng để đo một cái mẫu ngày hôm nay thì ngày mai có bỏ ra 1 tỉ đồng cũng không có lại được cái mẫu đấy. Mà thông tin đó có khi 5-10 năm sau người ta mới cần.

HỮU LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới