Sông Tranh 2 và bài học xử lý thông tin

Dù chưa phải là một nước hoàn toàn công nghiệp hóa nhưng mức độ gắn liền với các rủi ro công nghiệp của nước ta đã tăng lên rất nhiều trong thời gian qua, đòi hỏi ý thức về sản xuất công nghiệp hay tối thiểu ý thức về việc sinh hoạt trong một xã hội công nghiệp phải được xem xét và đảm bảo nghiêm túc. Phân tích các trường hợp tai nạn công nghiệp trên thế giới (đặc biệt là vụ hạt nhân ở Nhật Bản năm 2011) cho thấy khủng hoảng thiên tai dễ dẫn đến khủng hoảng xã hội liền sau đó, một phần là hệ quả của chính sách quá bảo mật hay không trung thực về thông tin. Khi người người hoang mang, nhà nhà hoảng sợ thì cái duy nhất để họ dựa vào là một nguồn thông tin khả tín xuất phát từ một tiếng nói hoặc một cơ quan có thẩm quyền. Thông tin trong thời gian khủng hoảng là chìa khóa vàng khiến cho các tác động từ thiên nhiên hay do sự cố kỹ thuật không bùng nổ thành khủng hoảng xã hội.

Khi trao đổi ý kiến với các PV, ông Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, chuyên gia thủy lợi, cho rằng những thông tin mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố không thật sự khách quan. Nhưng ông cũng không khẳng định việc tích nước là một trong những nguyên nhân kích thích các trận động đất gần đây. Vậy thì, những phát ngôn chính thức từ các chủ đầu tư thì lại bị thực tế cùng các nhà nghiên cứu khác nghi ngờ về mức độ khả tín. Còn các nhà nghiên cứu thì lại có phần mâu thuẫn nhau. Điểm quan trọng ở đây là ranh giới của kiến ​​thức và khả năng để lập kế hoạch chủ động đối phó. Lý do từ hai việc trên phần nào do chủ đầu tư xây dựng cũng không đưa ra một mô hình tổng thể về dự án và các kịch bản trong trường hợp khẩn cấp hay có vấn đề, điều mà các dự án lớn phải cần.

Hai là sau khi có những dấu hiệu khủng hoảng xảy ra không có những cơ quan độc lập khoa học và chính sách để đứng ra thẩm định mức độ chính xác của những thông tin đưa ra công luận. Phải như vậy thì người dân mới có thể yên tâm, dù là chưa có giải pháp nhưng ít nhất cũng biết rõ tình hình một cách chính xác. Để có thể tìm ra những biện pháp phù hợp cho trường hợp Sông Tranh 2 hiện nay, tốt hơn là nhìn về bài học giải quyết khủng hoảng hạt nhân sau trận động đất khủng khiếp ở Nhật Bản năm 2011. Khi đó chính phủ Nhật đã thành lập nhóm chuyên gia hạt nhân IAEA sẽ tham gia vào các hoạt động kiểm tra độ phóng xạ gần nhà máy Fukushima cùng với một cơ quan chuyên về liên lạc thông tin. Lãnh đạo Nhật Bản cũng đã chọn phương án không khác gì mấy so với những đề nghị cho việc lựa chọn một cơ quan khoa học độc lập hiện nay cho Sông Tranh 2.

Các tranh cãi hay phản biện về việc thiết lập Sông Tranh 2 tại một khu vực địa chất có hoạt động kiến tạo mạnh lại tiếp giáp một họng núi lửa cổ, nhận định về các di chấn gần đây giữa hai giả thuyết động đất kiến tạo và động đất kích thích, hay lập luận vấn đề chính từ kết cấu xây dựng của thân đập, rõ ràng là ví dụ điển hình cho thấy một độ chênh nhất định trong tính toán của cơ quan có thẩm quyền quyết định dự án mà cụ thể là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương cùng các chuyên gia. Khó có thể biết đúng sai như thế nào khi công luận gần như thiếu hẳn một bức tranh tổng thể mô hình hóa toàn bộ vấn đề xây dựng, thông số kỹ thuật và các tình huống nếu đập gặp vấn đề địa chất hay nguồn nước. Khó có thể đánh giá mức độ chính xác thế nào khi gần như không thấy bóng dáng một cơ quan thẩm định mang tính độc lập bao gồm những nhà khoa học có kinh nghiệm liên quan, việc mà đến lần động đất thứ ba mới được tiến hành. Và cũng khó có thể biết được Sông Tranh 2 và người dân tại vùng này sẽ ra sao, đi về đâu khi những kịch bản giả thiết bị vỡ đập để đối phó với khủng hoảng hoàn toàn không được phác thảo. Một nhận định khách quan và trung thực, cùng với các kịch bản có thể diễn ra trong trường hợp xấu nhất có thể diễn ra xét trên góc độ kỹ thuật lẫn xã hội là những điểm quan trọng nhất trong thời điểm này. Để Sông Tranh 2 không còn là mối nghi ngại, là nỗi sợ hàng giờ, hàng đêm của người dân Bắc Trà Mi và cả nước.

TRƯƠNG MINH - LÊ TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm