Phát ngôn và chỗ đứng

Buổi báo cáo kết quả ngày 17-9 mà cả tỉnh, thậm chí cả nước chờ đợi lại biến thành buổi tranh luận nảy lửa. Và đằng sau những đối thoại, không khó để nhận ra lời đáp cho các câu hỏi: Khoa học đang phục vụ ai? chỗ đứng của nhà khoa học ở đâu và các nghiên cứu có thực sự độc lập, khách quan chưa...

Bí thư Tỉnh ủy Quảng NamNGUYỄN ĐỨC HẢI:

Tôi còn không tin thì làm sao an dân…

Đoàn khoa học Viện Vật lý địa cầu và EVN khẳng định đập vẫn an toàn nhưng tôi không tin. Ngay cả tôi cũng chưa tin thì làm sao an dân được. Mà khẳng định đập an toàn đến thời điểm này thôi là chưa đủ. Cần phải khẳng định rằng trong tương lai đập có an toàn hay không. Đoàn khoa học bảo vài ngày nữa sẽ gửi kết luận chính thức bằng văn bản. Khi đó tỉnh sẽ có kiến nghị tiếp.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng NamLÊ PHƯỚC THANH:

Còn rủi ro 1% cũng không cho tích nước

Dù anh là nhà khoa học, EVN hay nhà quản lý nhà nước thì cũng phải đặt tính mạng của dân lên hàng đầu. Tôi khẳng định nếu đập vẫn còn 1% không an toàn thì tỉnh nhất quyết kiến nghị không cho tích nước.

ÔngTRẦN XUÂN THỌ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam:

EVN làm ăn thiếu trách nhiệm

EVN cần nghiêm túc thừa nhận sai sót vì làm ăn thiếu trách nhiệm. Đừng để nhân dân chết hết rồi mới nói đến trách nhiệm. Còn nói dân đã thiếu hiểu biết, không ứng xử hợp lý khi xảy ra động đất thì quá vô lý. Trước nay có ai bày cho dân cách ứng phó với động đất đâu mà đòi họ phải hiểu biết. Các nhà khoa học muốn nói gì cũng phải đặt mình vào vị trí của người dân chứ.

ÔngTRẦN XUÂN VINH, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam:

Phải có lương tri

Các nhà khoa học phải có lương tri, phải trung thực khi đánh giá vấn đề. Không thể để các tác động bên ngoài làm ảnh hưởng đến tính chính xác, khách quan của kết luận cuối cùng. Còn nếu nói đập Sông Tranh 2 vẫn an toàn và cho phép tích nước, người ký văn bản cho tích nước phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố.

TSLÊ HUY MINH, Trưởng đoàn Viện Vật lý địa cầu:

Vỡ đập ư, chờ ba năm sẽ rõ

Đến thời điểm này đập vẫn an toàn. Tương lai vẫn còn động đất lớn hơn xảy ra nhưng không thể vượt qua ngưỡng cực đại 5,5 độ Richter với gia tốc là 150 cm/s2 theo thiết kế của đập. Tuy nhiên, chúng tôi không thể khẳng định được số liệu báo cáo của EVN có chính xác không. Cần ít nhất ba năm nghiên cứu nữa mới có kết quả chính thức.

ÔngVÕ DUY MINH,Giám đốc Ban Điều hành tổng thầu công trình đập thủy điện Sông Tranh 2:

Đập vẫn an toàn

Các trận động đất vừa qua không ảnh hưởng đến quá trình khắc phục các điểm thấm nước trên thân đập. Công tác xử lý thấm bên trong thân đập thủy điện Sông Tranh 2 sắp được hoàn tất. Tôi khẳng định đập vẫn an toàn và không bị ảnh hưởng bởi các trận động đất vừa qua.

TSNGÔ THỊ LƯ,Viện Vật lý địa cầu:

Mới nghe động đất đã chạy!

Người dân quá kém hiểu biết, chỉ mới nghe động là đã dắt trâu bò, gói ghém đồ đạc bỏ chạy. Sự hoang mang đang diễn ra là do sự cộng hưởng của ba yếu tố: thân đập bị rò rỉ nước, người dân kém hiểu biết và báo chí sử dụng thuật ngữ không chính xác. Người dân cần phải bình tĩnh và có những ứng xử hợp lý hơn với động đất.

ÔngLƯU THẾ BIỂU, Phó Trưởng ban Xây dựng Tập đoàn EVN:

Mấy anh phải tin nhà khoa học chứ!

Chúng tôi sẽ kiến nghị Thủ tướng cho phép tích nước. Chính quyền và người dân phải tin tưởng ở kết luận của các nhà khoa học vì đó là… chân lý. Nếu không tin các nhà khoa học, làm sao chúng ta dám làm những việc khác. Còn hiện tượng thấm vừa qua là thấm ở khe nhiệt, đã khắc phục được hơn 99% rồi. Đập có thể chịu được các trận động đất lớn hơn và hoàn toàn an toàn.

Dòng sự kiện:

- Tháng 3-2006, thủy điện Sông Tranh 2 được khởi công với tổng vốn đầu tư trên 4.150 tỉ đồng, công suất thiết kế 190 MW.

- Tháng 12-2010 bắt đầu vận hành thử nghiệm. Đến tháng 2-2012 chính thức phát điện.

- Tháng 11-2011, xuất hiện sự cố rò rỉ nước ở phần hạ lưu thân đập khiến dư luận vô cùng lo lắng.

- Tháng 3-2012, liên tiếp xảy ra động đất mạnh 3,5 độ Richter tại khu vực đập. Các nhà khoa học thuộc Viện Địa chất (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã về khảo sát và khẳng định các trận động đất sẽ giảm dần, thủy điện Sông Tranh 2 vẫn an toàn. Kết luận này bị nhiều người hoài nghi, bởi khi đi khảo sát các nhà khoa học chẳng mang theo máy móc gì ngoài iPad và điện thoại iPhone!

- Từ ngày 3 đến 7-9, lại liên tục xảy ra các trận động đất, lúc này đã lên đến 4,2 độ Richter.

- Ngày 5-9, Viện Vật lý địa cầu (Bộ KH&CN) vào khảo sát, nghiên cứu về các trận động đất. Đến ngày 12-9, đoàn có báo cáo sơ bộ như đã đề cập.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm