Tờ Hindustan Times ngày 20-6 đưa tin Ấn Độ luôn tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc (LHQ) và các tổ chức trực thuộc, nhưng hiện quốc gia Nam Á đang xem xét “mọi lựa chọn” trong các ứng phó của mình.
Ngay cả Hội đồng Nhân quyền LHQ, cơ quan mà Ấn Độ thường giữ khoảng cách, có thể không nằm ngoài danh sách này, tờ báo trên cho biết thêm.
Trước đây thờ ơ với Sông Đông (khu vực đặt trụ sở LHQ ở TP New York, Mỹ – NV), Trung Quốc trong một thập niên qua đã xem LHQ như một phương tiện để hợp pháp hóa vị thế của mình như một cường quốc. Dấu chân của nước này cũng gia tăng vì thái độ không thân thiện của Mỹ với tổ chức này. Có ít nhất bốn khu vực Ấn Độ sẽ chỉ đạo tăng cường “hỏa lực ngoại giao”.
Cờ Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: GLOBAL TIMES
Một là sẽ từ chối vai trò cầm trịch của Trung Quốc tại các cơ quan LHQ. Bắc Kinh hiện đang giữ bốn ghế lãnh đạo và muốn có thêm nhiều vị trí như vậy. Theo Hindustan Times, chí ít Ấn Độ sẽ tìm cách đảm bảo Trung Quốc không giành được nhiều vị trí hơn và tốt hơn là mất một số vị trí mà Bắc Kinh đã nắm giữ.
Người đứng đầu Trung Quốc của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế và Liên minh Viễn thông Quốc tế đã ở trong nhiệm kỳ thứ hai và được đánh giá là dễ bị rủi ro. Giới chức Ấn Độ nói rằng Trung Quốc coi bốn chiếc ghế là mức tối thiểu mà nước này cần có.
Thứ hai là đảm bảo không có văn phòng hoặc cơ quan lớn nào của LHQ được thành lập tại Trung Quốc.Bắc Kinh từ lâu đã không vui khi không có cơ quan nào của LHQ đặt trụ sở tại quốc gia của họ dù là cường quốc số hai thế giới.
Tổng thư ký LHQ đương nhiệm, ông Antonio Guterres đã cố gắng thành lập văn phòng LHQ khu vực vì chi phí hoạt động cao ở TP New York của Mỹ. Năm ngoái, Bắc Kinh đã vận động để có một văn phòng như vậy được thành lập tại TP Thượng Hải của Trung Quốc.
Ngoài đất đai và trụ sở, Trung Quốc thậm chí còn đề nghị trả một phần tiền lương của nhân viên LHQ.
Khi Trung Quốc cố gắng huy động Nhóm G77 (hiện đã có 135 quốc gia thành viên) để giành được sự ủng hộ cho ý tưởng này, Ấn Độ đã huy động các chính phủ thân thiện từ châu Phi để trì hoãn các kế hoạch của nước láng giềng phía Đông. Mỹ có mặt ở cấp Hội đồng Bảo an và đã bày tỏ lo ngại về vấn đề an ninh liên quan đến việc có văn phòng của LHQ trên đất Trung Quốc.
Trong khi nỗ lực trên đã bị “trật bánh”, Bắc Kinh sẽ lại cố gắng. “Vấn đề này vẫn ở trong lịch trình nghị sự”, tờ báo dẫn lời một cựu viên chức ngoại giao của Ấn Độ cho biết.
Trung Quốc cũng muốn nắm quyền trong các nỗ lực gìn giữ hòa bình của LHQ. Bắc Kinh hiện đóng góp nhiều hơn cho quỹ gìn giữ hòa bình hơn là Anh, Pháp và Nga cộng lại. Ấn Độ đã lưu ý rằng Trung Quốc đã đẩy binh lính của mình đến các quốc gia nơi các công ty của họ có lợi ích kinh tế. Những người lính Trung Quốc đã có “biểu hiện tồi tệ” ở Nam Sudan, nhưng Bắc Kinh quan tâm nhiều hơn đến việc đưa ra các mệnh lệnh từ cấp cao nhất.
Cuối cùng, Bắc Kinh “cảm thấy khó chịu” về việc họ nhận được rất ít hợp đồng trị giá hàng tỉ USD của LHQ cho các dịch vụ và thiết bị. Trong khi đó, Ấn Độ là nhà thầu lớn thứ hai của LHQ nhờ các sản phẩm dược phẩm của mình.
Theo Hindustan Times, các quan chức LHQ nói rằng Trung Quốc “không có tên trong danh sách”. Có dự báo cho rằng Bắc Kinh sẽ cố gắng làm cho các quy tắc của quy trình đấu thầu của LHQ bị suy yếu để có lợi cho họ.