Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực đề cử công dân của mình nắm giữ vị trí lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế nhằm giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc, báo Nikkei Asian Review bình luận.
Mục tiêu của Tokyo là đưa các quan chức hoặc cựu quan chức chính phủ Nhật Bản nắm giữ các vai trò quốc tế có tầm quan trọng chiến lược. Tokyo tin rằng việc người Nhật giữ chức vụ lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế sẽ trở thành một phần quan trọng trong chiến lược an ninh kinh tế của nước này.
Nhật Bản không có lãnh đạo nào tại các tổ chức quốc tế
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các tổ chức quốc tế - bao gồm các cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc (LHQ) - đã xây dựng nhiều chi nhánh và văn phòng tại Nhật Bản. Trong khi đó, không có công dân Nhật nào giữ vị trí lãnh đạo ở các tổ chức này.
Trụ sở Đại học Liên Hợp Quốc tại Nhật Bản. Ảnh: UNU
Cựu Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách tài khóa Nhật Bản Akira Amari cho rằng việc "đưa tiêu chuẩn quốc gia trở thành tiêu chuẩn quốc tế là một chiến lược kinh tế cực kỳ hiệu quả". Tuy nhiên, trong thời gian qua, "Nhật Bản đã không nhiệt tình gửi người đến các tổ chức quốc tế".
Trong khi đó, Trung Quốc đã nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở các tổ chức này. Một lãnh đạo cấp cao trong Đảng Dân chủ tự do (LDP - đang cầm quyền ở Tokyo) cho rằng Bắc Kinh "có kế hoạch biến các chính sách quốc gia của riêng mình trở thành chuẩn mực quốc tế".
Trung Quốc nỗ lực gây ảnh hưởng qua các tổ chức quốc tế
Công dân Trung Quốc đang giữ vị trí lãnh đạo tại 4/15 tổ chức chuyên trách của LHQ và một số cơ quan quốc tế khác. Một số quan chức trong số này sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong năm 2021 và năm 2022.
Năm 2019, Bắc Kinh đã sử dụng sức mạnh kinh tế của mình để đưa cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Khuất Đông Ngọc vào vị trí Tổng Thư ký Tổ chức Nông nghiệp và lương thực LHQ (FAO).
Trong quá trình bầu lãnh đạo FAO, Cameroon đã rút hồ sơ đề cử công dân của mình sau khi Bắc Kinh gia hạn nợ cho quốc gia Tây Phi, tạo điều kiện cho ông Khuất đắc cử, theo Nikkei Asian Review.
Thông qua các công dân Trung Quốc nắm giữ vị trí lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế, Bắc Kinh đang tăng cường ảnh hưởng và thúc đẩy các sáng kiến hợp tác do Trung Quốc dẫn dắt.
Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Triệu Hậu Lân. Ảnh: ITU
Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) Triệu Hậu Lân đang tăng cường hợp tác giữa ITU với các nước tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và thường xuyên nêu quan điểm ủng hộ tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.
Mới đây nhất, trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc bị chỉ trích đã thao túng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông qua quan hệ giữa Trung Quốc và Ethiopia - quê nhà của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Hiện nay, Bắc Kinh đang nỗ lực đưa Đại sứ Trung Quốc tại Hungary Đoàn Khiết Long tham gia hội đồng thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Trong cuộc đua của mười ứng cử viên vào bảy vị trí trong hội đồng thẩm phán ITLOS, ông Đoàn là một "ứng viên nặng ký".
Từ ngày 18-6, một nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ tự do (LDP – đang cầm quyền tại Nhật Bản) do ông Amari dẫn đầu sẽ bắt đầu thảo luận việc đưa kế hoạch nhân sự cho các tổ chức quốc tế ra thảo luận tại Ban Thư ký Nội các Nhật Bản.
Nhóm nghị sĩ LDP cho rằng những ứng viên được xem xét trong đề án nhân sự quốc tế này phải là người có năng lực ngoại ngữ, năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý và phải là người từng giữ các vị trí từ cấp bộ trưởng - những người nhận được sự tín nhiệm từ cộng đồng quốc tế.
Trước đó, trong tháng 4, Nhật Bản đã thành lập Nhóm kinh tế thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia. Nhóm này sẽ nhận trách nhiệm xây dựng chiến lược nhân sự tranh cử vào các vị trí lãnh đạo ở các tổ chức quốc tế.
Chiến lược mới của Nhật Bản liên quan tới việc đề xuất ứng cử viên cho các vị trí quốc tế và phối hợp cùng Mỹ và các quốc gia châu Âu - những nước chia sẻ giá trị chung - để ủng hộ các ứng cử viên này.
Trong đó, các cơ quan như Vụ Nhân sư nội các hay Bộ Ngoại giao Nhật Bản sẽ giới thiệu các ứng viên phù hợp tiêu chuẩn đã đề ra. Còn Nhóm kinh tế có nhiệm vụ phối hợp với các quốc gia đồng minh và thực hiện chiến dịch vận động hành lang cho các ứng viên của Tokyo.
Nhật, Mỹ lần lượt hành động
Cuộc đua vào vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sẽ là một phép thử cho Nhật Bản. Quá trình chọn lãnh đạo mới đã bắt đầu khi WTO thông báo nhận hồ sơ đề cử ứng viên từ ngày 8-6.
Trụ sở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Tổng Giám đốc WTO hiện tại là ông Roberto Azevedo - một công dân Brazil (khu vực Nam Mỹ) - nắm giữ. Tuy nhiên, ông Azevedo đột nhiên tuyên bố sẽ từ chức vào cuối năm nay.
Giới quan sát cho rằng Mỹ sẽ ủng hộ cựu Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser, trong khi Trung Quốc sẽ vận động cho bà Amina Mohamed, một cựu bộ trưởng của Kenya – quốc gia Đông Phi có quan hệ gần gũi với Bắc Kinh.
Nhật Bản kỳ vọng sẽ hợp tác với Mỹ để vận động cho một quan chức Nhật Bản chạy đua vào vị trí này, viện dẫn các nỗ lực giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu.
Trước đó, Bắc Kinh cũng tích cực vận động để một công dân Trung Quốc, bà Vương Bân Dĩnh chạy đua vào vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO). Tuy nhiên, bà Vương đã thất bại trước ông Daren Đặng Hồng Sâm (quốc tịch Singapore) - người được Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 16-6 cho biết họ sẽ đề cử ông Mauricio Claver-Carone, quan chức phụ trách các vấn đề Tây Bán cầu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, làm chủ tịch Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB), phá vỡ một thỏa thuận bất thành văn kể từ khi ngân hàng này thành lập vào năm 1959 là nó được lãnh đạo bởi một người Nam Mỹ.
Theo báo The Washington Post, ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ đối với nguồn tài trợ phát triển lớn nhất cho Nam Mỹ và vùng Caribê cũng sẽ giúp Washington có vị thế “trên cơ” Bắc Kinh tại khu vực đang chứng kiến ảnh hưởng kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.