Phận làm công ăn lương trong đại án đăng kiểm - Bài cuối

Hình phạt cho người giúp sức có vai trò hạn chế

(PLO)- Nếu vai trò của các đăng kiểm viên không quan trọng, chỉ là mắt xích thực hiện hành vi… thì có thể xem họ là người giúp sức với vai trò hạn chế.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sắp tới, TAND Cấp cao tại TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử phúc thẩm để xem xét kháng cáo của 139/254 bị cáo trong đại án đăng kiểm và xem xét kháng nghị của VKSND TP.HCM về việc tăng mức hình phạt đối với 18 bị cáo.

Bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM đã tuyên phạt cho 73 bị cáo được hưởng án treo. Đa số bị cáo đều là các đăng kiểm viên, được xác định đã nhận tiền hối lộ để bỏ qua các lỗi khi thực hiện thủ tục đăng kiểm cho các phương tiện. Việc làm này của họ là hành vi đồng phạm giúp sức trong hoàn cảnh làm theo chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan đăng kiểm khi đó.

Quy phạm mở giúp tòa linh hoạt lượng hình

Khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định: Đối với các vụ án mà trong đó người phạm tội với vai trò thứ yếu thì cần phải xem xét hình phạt một cách tương xứng.

đăng kiểm viên
Sau khi xem xét nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX TAND TP.HCM đã tuyên cho nhiều đăng kiểm viên được hưởng án treo vì vai trò hạn chế. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo đó, “tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể”.

So với các BLHS trước đây, Điều 54 BLHS năm 2015 đã bổ sung một quy phạm mở cho tòa án và có lợi hơn cho người phạm tội, qua đó đảm bảo được tính khách quan và công bằng khi cá thể hóa hình phạt đối với từng bị cáo trong một vụ án. Đồng thời, điều luật này cũng tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử đối với những trường hợp người phạm tội lần đầu là người giúp sức, có vai trò không đáng kể nhưng bị đưa ra xét xử ở khung hình phạt nặng cùng với các đồng phạm khác.

“BLHS có quy định về khái niệm “người giúp sức” nhưng vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn để xác định “vai trò không đáng kể” của người giúp sức trong vụ án đồng phạm.”

Theo quy định của các BLHS trước đây, những người thuộc trường hợp người phạm tội “có vai trò không đáng kể” dù họ có nhiều tình tiết giảm nhẹ, nhân thân tốt nhưng không thỏa mãn việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt; trong trường hợp này, tòa án có thể xem xét, vận dụng các tình tiết giảm nhẹ, khoan hồng tối đa nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc “hình phạt được áp dụng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn khung hình phạt được áp dụng”, mà không được thấp hơn hình phạt trong khung liền kề. Quy định như vậy là quá nghiêm khắc mà không thể hiện tối đa tính nhân văn của quyết định hình phạt.

Thế nào là “vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm”?

Xác định “vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm” đối với người giúp sức như thế nào? Theo khoản 3 Điều 17 BLHS, “người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”.

BLHS đã có quy định về khái niệm “người giúp sức” nhưng vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn để xác định “vai trò không đáng kể” của người giúp sức trong vụ án đồng phạm. Trong khi đây là căn cứ rất quan trọng để tòa án quyết định việc có cho người phạm tội được hưởng “một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật”.

Thực tế hiện nay cách hiểu và đánh giá về tình tiết này thường dựa trên nội dung vụ án cụ thể và sự độc lập của HĐXX mà không có hướng dẫn hay quy định về tiêu chí cụ thể nào. Do đó, “vai trò không đáng kể” của người giúp sức trong vụ án đồng phạm hoàn toàn có thể được xác định một cách không thống nhất và tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi chính đáng của bị cáo.

DANG-KIEM-VIEN.jpg
Các bị cáo trong vụ án.

Mắt xích nhận hối lộ: Vai trò không đáng kể

Theo tôi, đối với vấn đề xác định thế nào là “vai trò không đáng kể” để đưa ra một định nghĩa đầy đủ về nội dung này là không dễ dàng. Tuy nhiên, trong vụ án như đại án đăng kiểm, cần hiểu rằng VKS đang truy tố các bị cáo theo từng nhóm phạm tội riêng biệt và trong các nhóm đó, VKS đã truy tố theo chung một tội danh và khung hình phạt.

Có nhiều bị cáo trong vụ án chỉ mới tham gia với vai trò giúp sức, trong thời gian ngắn, thậm chí họ phải khiên cưỡng thực hiện hành vi do họ đang làm trong một đơn vị bị chi phối bởi những áp lực của cấp trên.

Do vậy, HĐXX cũng cần xem xét tính chất vụ án, hành vi khách quan của bị cáo, trên cơ sở đó đánh giá mức độ hành vi cụ thể của họ trong toàn bộ vụ án; cần xác định vai trò “mắt xích” của người giúp sức đó không quan trọng; hành vi mà họ thực hiện không quyết liệt, không mong muốn hậu quả xảy ra hoặc đã hạn chế hậu quả xảy ra ở mức thấp nhất hoặc đã khắc phục hậu quả ở mức tối đa nhất... Từ đó, HĐXX cân nhắc, áp dụng tối đa tinh thần nhân văn, nhân đạo của pháp luật nước ta để “quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật”.

Mong các đăng kiểm viên lãnh án treo sớm trở lại làm việc

Trong số 254 bị cáo trong đại án đăng kiểm, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt cho 73 bị cáo được hưởng án treo, đa số họ là các đăng kiểm viên. Quá trình xét xử sơ thẩm họ đều cho rằng bản thân chỉ là người làm công ăn lương, họ không hề muốn vòi vĩnh tiền từ chủ phương tiện.

Do là người làm công ăn lương, các đăng kiểm viên (ĐKV) phải làm việc dưới “áp lực kim tiền” của mệnh lệnh không tốt của cấp trên (chỉ đạo phải nhận hối lộ). Với áp lực về số tiền phải chung chi nên vô hình trung họ phải nhận tiền từ chủ phương tiện. Dẫu biết rằng họ vẫn được “chia” nhưng thực tế số tiền hưởng lợi họ nhận được chẳng thấm vào đâu so với các lãnh đạo bên trên - những người hưởng lợi nhiều nhất trong đại án này. Chính vì vậy, bên cạnh việc cần phải nghiêm trị các bị cáo đầu vụ để răn đe và phòng ngừa chung, cơ quan tố tụng cũng cần có cái nhìn khách quan để đánh giá tính chất, mức độ sai phạm của các ĐKV trong guồng máy sai phạm này.

Quy trình đăng kiểm gồm nhiều công đoạn khác nhau. Mỗi công đoạn sẽ có những người khác nhau phụ trách theo nguyên tắc phân công lao động. Do đó, nếu có sai phạm thì ĐKV chỉ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi những phương tiện mà dây chuyền đăng kiểm của mình đã thực hiện. Nói cách khác, các ĐKV không phải chịu trách nhiệm cho toàn bộ số tiền nhận hối lộ của cả trung tâm vì một trung tâm có nhiều chuyền đăng kiểm.

Bản án sơ thẩm và trong phần luận tội của VKSND TP.HCM cũng đã quy kết rõ ràng mỗi ĐKV phải chịu trách nhiệm theo dây chuyền kiểm định của mình chứ không phải chịu trách nhiệm về tội nhận hối lộ với tổng số tiền mà giám đốc trung tâm đăng kiểm nơi họ làm việc đã nhận. Nhận định trên là hợp lý vì phân hóa rõ ràng hành vi vi phạm của mỗi người theo nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bên cạnh 73 bị cáo được tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, nhiều bị cáo khác cũng đã kháng cáo với hy vọng mong tòa án cấp phúc thẩm xem xét đến vị trí, vai trò và hoàn cảnh phạm tội để quyết định hình phạt một cách công tâm, thấu tình đạt lý.

Ngoài ra, trong bối cảnh nhân sự ở các trung tâm đăng kiểm bị thiếu hụt, công tác đăng kiểm ùn ứ, nhiều lãnh đạo từng đặt vấn đề cần nhanh chóng củng cố đội ngũ ĐKV để sớm ổn định tình hình. Trong vụ án này, các ĐKV là những người có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng…; cần tạo điều kiện cho họ làm việc dù đang chấp hành hoặc khi đã chấp hành xong bản án hình sự.

Hiện nay, Điều 32 và Điều 41 BLHS có quy định về hình phạt bổ sung là “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định”; thời hạn cấm là từ một đến năm năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo. Tuy nhiên, đối với tội nhận hối lộ (Điều 354) thì BLHS chỉ quy định về việc “cấm đảm nhiệm chức vụ”. Nói cách khác, khi bị kết án về tội nhận hối lộ thì các bị cáo là ĐKV vẫn có thể được nhận vào làm việc tại các trung tâm đăng kiểm.

Có lẽ ngành đăng kiểm cũng mong được tiếp tục sử dụng các ĐKV không bị tù giam làm việc, góp phần giảm ùn tắc trong kiểm định sắp tới…

TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm