HLV Miura rất cô đơn dưới áp lực của nhiều giới phê phán ông mặc dù ông luôn bảo đảm các đội tuyển đang đi đúng hướng. Sau mỗi trận đấu, ông Miura đều có những chia sẻ rất chân tình với người yêu bóng đá, ví như ở trận thua Thái Lan do đối phương ở đẳng cấp cao hơn và các học trò lại chưa tuân thủ ý đồ chiến thuật của ban huấn luyện.
Tuy nhiên, những lời trần tình của HLV Miura đều không lọt tai giới chuyên môn lẫn người hâm mộ, thậm chí ngay cả “người nhà” VFF cũng có người thông cảm, người không. Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ thẳng thắn bày tỏ rằng ông Miura không thể đổ lỗi cho học trò.
Riêng Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và cấp phó Trần Quốc Tuấn kêu gọi dư luận hãy kiên nhẫn với HLV Miura. Thế nhưng chính họ vẫn không đủ cơ sở bảo vệ ông đến cùng. Rõ nhất là ông Tuấn kịp rút khỏi chiếc ghế chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia vài giờ ngay trước trận thua đau Thái Lan 0-3 trên sân Mỹ Đình và cũng chẳng màng chuyện có hay không cuộc họp rút kinh nghiệm nào.
Chỉ số niềm tin của HLV Miura đang xuống rất thấp và ông cũng đang đơn độc. Ảnh: XUÂN HUY
Trong khi đó, ông chủ tịch VFF đưa ra những cột mốc mà ông Miura đạt được, như đoạt vé vào vòng chung kết U-23 châu Á, bán kết AFF Cúp 2014 và hạng ba SEA Games 26 đều hoàn thành chỉ tiêu của VFF. Thế nhưng điều này cũng khó lòng thuyết phục mọi giới khi các tiền nhiệm của ông Miura đều đã từng đạt và vượt rất xa các chỉ tiêu tương tự, thậm chí từ cách đây 20 năm. Chính vì thế nó gây rắc rối cho những người quan hệ với LĐBĐ Nhật và trực tiếp ký hợp đồng với HLV Miura chắc chắn không thể “đem con bỏ chợ” và càng không dám sa thải ông thầy Nhật bởi điều này dễ gây tổn hại đến mối quan hệ lẫn uy tín của các bên sau hơn 16 tháng gắn bó.
Để trấn an HLV Miura và kìm hãm búa rìu dư luận bủa vây phong cách chơi bóng nhạt nhòa của các đội tuyển quốc gia thì ngay cả những người chấp thuận thuê ông về đều không đủ năng lực phản biện. Chủ tịch VFF nói nước đôi về việc sắp tới Thường trực VFF sẽ xem xét lại khả năng hợp tác hay không với HLV Miura, trong lúc phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn không thể có một kết luận thấu tình đạt lý nhằm rộng đường dư luận.
Ngoài các học trò ruột đã từng sát cánh bên thầy Miura trong suốt các chiến dịch còn lên tiếng bênh vực lẫn thừa nhận triết lý huấn luyện của ông là phù hợp, còn lại những người đưa thầy Nhật về đều im hơi lặng tiếng hoặc bào chữa vớt vát bằng các chỉ tiêu ngắn hạn.
Tội nghiệp ông Miura, quãng thời gian hơn nửa năm hợp đồng còn lại sẽ còn gánh chịu nhiều áp lực nặng nề hơn khi chỉ số niềm tin đã xuống thấp trong hoàn cảnh một mình chống đỡ.
Ban trợ lý nội của ông Miura ở đâu? Ba trợ lý gần gũi nhất với HLV Miura mà ông hay gọi là ban huấn luyện gồm HLV Trần Công Minh, Ngô Quang Sang và Nguyễn Đức Cảnh đều bặt vô âm tín sau những trận đấu chưa làm yên lòng giới hâm mộ ở vòng loại World Cup 2018. Dấu ấn của họ trong thành phần huấn luyện đội tuyển rất mờ nhạt, một phần không phải do ông Miura chọn lựa, sau lần ông đề nghị mời các cộng sự người Nhật sang giúp việc mà bất thành. Đội ngũ này do VFF tiến cử và gần như không thấy vai trò phản biện hoặc góp ý cho thầy ngoại khi mọi việc đều do mỗi ông Miura nắm quyền tự quyết. |