Khi TP.HCM mở cửa kinh tế, nhiều tỉnh, thành bắt đầu đón khách du lịch trở lại, đặc biệt Phú Quốc sẽ bắt đầu thí điểm đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine từ tháng 11-2021. Trước tình hình du lịch hồi sinh, các chuyên gia đã có nhận định đầy lạc quan về thị trường bất động sản (BĐS) du lịch.
Cơ hội hồi phục
Việc thí điểm sử dụng hộ chiếu vaccine tại một số khu vực sẽ giúp các hoạt động giao thương, dịch vụ du lịch, lưu trú quay lại trạng thái bình thường mới. Đây là cơ hội lớn để ngành du lịch tăng trưởng nhanh chóng. Từ đó phân khúc BĐS nghỉ dưỡng sẽ hồi phục sau một thời gian dài bất động.
Tỉnh Kiên Giang và Bộ VH-TT&DL đã thống nhất được thời điểm đón khách là cuối tháng 11-2021. Sau đó mở rộng ra Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)…
Báo cáo mới đây nhất của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARs) ghi nhận thị trường BĐS du lịch - nghỉ dưỡng trong quý III gần như tê liệt vì giãn cách xã hội, nhiều cơ sở du lịch không có doanh thu. Tuy nhiên, các dự án phát triển BĐS du lịch - nghỉ dưỡng vẫn cho thấy những dấu hiệu khả quan. Lượng sản phẩm đang chào bán trên thị trường trong quý đạt 7.206 sản phẩm, giao dịch đạt 2.280 sản phẩm. Tương đương tỉ lệ hấp thụ 32%.
Bất động sản du lịch đang được kỳ vọng hồi sinh khi dịch bệnh
được kiểm soát. Ảnh: QUANG HUY
Với những số liệu trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARs, cho rằng BĐS du lịch vẫn là dòng sản phẩm được các nhà đầu tư quan tâm và tìm kiếm. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư vẫn luôn tin tưởng vào sự phát triển kinh tế du lịch ở Việt Nam trong những năm tới.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng sau thời gian dài đóng cửa, việc sống chung với dịch bệnh để phát triển kinh tế là tất yếu. Trong đó, việc mở cửa đón khách du lịch trở lại cũng là vấn đề không thể chậm trễ. Đặc biệt là khi khách du lịch nhiều nước đang có xu hướng tìm kiếm những địa điểm du lịch an toàn để tránh dịch cũng như nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Nếu Việt Nam không nhanh chân thì sẽ mất cơ hội vàng.
Theo ông Thịnh, thí điểm hộ chiếu vaccine là một chính sách rất đúng đắn. Đây cũng là bước ngoặt giúp ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi và chuyển mình nhanh hơn.
Cần đồng bộ pháp lý cho condotel
Vướng mắc về pháp lý với căn hộ du lịch (condotel) cũng đã phần nào kìm hãm sự phát triển của BĐS du lịch nghỉ dưỡng. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết hiệp hội vừa có văn bản góp ý cho dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh BĐS gửi Bộ Xây dựng về condotel.
Theo HoREA, Luật Đất đai 2013 có các quy định về chế độ sử dụng đất có thời hạn và cấp giấy chứng nhận (sổ hồng) đối với đất phi nông nghiệp là đất sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, căn cứ để cấp sổ là phải xác định phần sở hữu riêng, sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung của công trình xây dựng được phép kinh doanh như căn hộ condotel. Trong khi đó, hiện nay chưa có luật nào quy định các nội dung này, kể cả Luật Kinh doanh BĐS 2014.
Năm 2020, Bộ TN&MT có hướng dẫn việc cấp sổ hồng cho căn hộ condotel nhưng cũng không thực hiện được do chưa có các quy định đồng bộ của các luật khác có liên quan.
“Vì vậy, hiệp hội kiến nghị bổ sung vào dự thảo các quy định về phần sở hữu riêng, sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung, trách nhiệm bảo trì phần sở hữu chung, quản lý, vận hành, phá dỡ, xây dựng lại đối với loại công trình xây dựng được kinh doanh mà điển hình là căn hộ condotel” - ông Châu góp ý.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch VARs, cũng cho rằng BĐS nghỉ dưỡng đang có dư địa lớn để phát triển nhưng vẫn còn không ít rào cản, nhất là pháp lý. Việt Nam hoàn thành khung pháp lý hoàn chỉnh về condotel thì thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng sẽ phát triển lành mạnh.
Dự báo thị trường quý IV-2021, ông Đính nhận định BĐS du lịch vẫn tiếp tục thu hút và được quan tâm từ các nhà đầu tư. Những dự án quy mô được đầu tư với đa dạng loại hình dịch vụ, nghỉ dưỡng hút đầu tư nhiều. Vùng sôi động về phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng phải kể đến như Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Quốc.
Giao dịch condotel ảm đảm Theo báo cáo của DKRA Việt Nam, nguồn cung mới tại phân khúc condotel trong quý II-2021 vừa qua đã ghi nhận 944 căn mở bán đến từ ba dự án, tăng 26% so với quý trước và gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đã tác động tiêu cực đến đà hồi phục của thị trường. Tỉ lệ tiêu thụ đạt 64% (tương đương 606 căn), tăng 30% so với quý I và gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án mới mở bán trong quý có pháp lý và tiến độ xây dựng đầy đủ, minh bạch. Trong khi đó, những dự án cũ mở bán từ trước đa số “khóa giỏ hàng” để điều chỉnh chính sách và giá bán cho phù hợp. Có 15/27 dự án trong quý II không ghi nhận phát sinh giao dịch với lượng hàng tồn kho khoảng 3.251 căn. Bình Thuận, Phú Quốc và Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục là những khu vực dẫn đầu về nguồn cung và lượng tiêu thụ toàn thị trường. Trong khi đó, những khu vực phát triển mạnh về nghỉ dưỡng như Đà Nẵng, Khánh Hòa khan hiếm nguồn cung mới. Theo DKRA, phân khúc condotel khó có thể trở lại thời hoàng kim như giai đoạn 2015-2019 khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát, thị trường du lịch - khách sạn chưa thể hồi phục. |