'Họ đã xét xử bằng trái tim'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-3, TAND TP Cần Thơ đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ cố ý gây thương tích theo khoản 2 Điều 134 BLHS đối với bị cáo Bùi Tuấn Sĩ (56 tuổi) do có kháng cáo của cả bị cáo và bị hại.

Nếu chỉ xét về mặt pháp luật, đây là một vụ án không phức tạp, có tình tiết rõ ràng và theo đánh giá của chuyên gia thì HĐXX chỉ cần khoảng nửa tiếng là tuyên án xong. Tuy nhiên, với vụ án này, HĐXX đã dành nửa ngày để “hàn gắn vết thương” cho một gia đình, như nhận xét của luật sư bào chữa cho bị cáo là “họ đã xét xử bằng trái tim”!

Xô xát từ chuyện đốt rác

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Sĩ và người chị thứ ba ở cạnh nhà nhau trên cùng thửa đất ở quận Ninh Kiều nhưng thường xuyên có mâu thuẫn.

Khoảng 16 giờ ngày 24-5-2020, Sĩ giắt con dao (loại dao mác) ở phía sau lưng rồi ra sau vườn chặt cây thì thấy nhà chị đang đốt rác nên lấy điện thoại quay lại để báo địa phương xử lý. Lúc này, người chị đang nói chuyện với cháu ruột trước nhà nên nhìn thấy, bèn gọi cho con trai là anh N ra xem có chuyện gì.

Đi ra để nói chuyện nhưng lại bị Sĩ quay sát mặt nên anh N dùng tay gạt văng điện thoại xuống đất dẫn đến hai bên xảy ra xô xát. Lúc này, Sĩ rút dao ra chém trúng vào vùng mặt, ngực, tay của anh N. Kết quả giám định cho thấy tỉ lệ thương tật của anh N là 15%.

Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Sĩ hai năm sáu tháng tù; đồng thời tòa buộc bị cáo bồi thường cho anh N hơn 44 triệu đồng (trước phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã khắc phục xong).

Sau đó, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ở chiều ngược lại, bị hại kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt và tiền bồi thường.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị hại rút phần kháng cáo về dân sự, giữ yêu cầu tăng hình phạt với lý do sau khi xảy ra chuyện, dù hai nhà ở cạnh nhau nhưng bị cáo không sang xin lỗi…

Căng thẳng mỗi lần chờ nghe ý kiến bị hại

Vị chủ tọa hỏi bị cáo về mối quan hệ với bị hại. Bị cáo nói bị hại là cháu, gọi bị cáo bằng cậu. Vì mối quan hệ đặc biệt này, HĐXX đã dành nhiều thời gian để phân tích, động viên cho cả bị cáo, bị hại để giúp họ gắn kết lại mối quan hệ máu mủ trong gia đình.

Một mặt, HĐXX phân tích cho bị cáo hiểu hành vi của bị cáo xứng đáng bị xử phạt theo đúng pháp luật. Đồng thời, về tình cảm gia đình, với vai trò là cậu, hành vi của bị cáo là hết sức hồ đồ, lỗ mãng. Nhưng mặt khác, HĐXX cũng mong muốn phía bị hại là anh N vì tình thân mà có thể bỏ qua cho cậu của mình, rút lại kháng cáo.

Sau nửa ngày hàn gắn tình thân cho gia đình bị cáo - bị hại, HĐXX đã tuyên giảm án sáu tháng tù cho bị cáo Bùi Tuấn Sĩ. Ảnh: NHẪN NAM

Cụ thể, vị thẩm phán nói với bị cáo rằng cách xử sự của bị cáo không lay động được tình cảm của cháu mình nên vẫn quyết tăng án. Bị cáo nói không qua nhà xin lỗi vì nhà bên đó nuôi nhiều chó. Điều này khiến bị hại không thấy được thành ý của bị cáo. Bởi nếu thực sự muốn xin lỗi thì đàn chó không phải là vấn đề.

Xong, vị thẩm phán quay sang nói với bị hại, dù sao cũng là chỗ tình cảm, máu mủ, hành vi của bị cáo đã có pháp luật xử lý, còn về đạo lý, nếu anh N rút kháng cáo, người ngoài nhìn vào sẽ thấy người cháu biết cách cư xử, thể hiện đạo đức của con người.

Không khí phòng xử mỗi lúc một căng hơn khi thẩm phán hỏi bị hại về việc có thay đổi nội dung kháng cáo hay không. Và không dưới ba lần, anh N chỉ nói “tôi giữ nguyên kháng cáo tăng hình phạt”.

Cuối cùng, sau nhiều lần cố gắng thì bị cáo quyết định quay xuống nói: “Xin lỗi chị và cháu, bỏ qua lỗi lầm, xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo”. Trước tòa, hình ảnh người cậu sẵn sàng vung dao với cháu mình không còn nữa, chỉ còn một người đàn ông nhỏ nhắn, đầu cúi gằm và hai bàn tay bấm vào nhau…

Tình cảm gia đình được hàn gắn

Dường như thấy những lời giải thích, động viên của mình chưa đủ để thuyết phục cả hai bên, vị thẩm phán cho phiên tòa tạm dừng 5-10 phút để gia đình hai bên được nói chuyện với nhau. Vì “HĐXX muốn hàn gắn vết thương gia đình của bị cáo và người bị hại” - vị thẩm phán bộc bạch.

Khi tòa tạm dừng, vợ bị cáo giục: “Anh quỳ xuống xin lỗi chị đi”. Rồi các chị em kéo mẹ của bị hại lại nói chuyện với bị cáo… Sau khi tạm dừng, phiên tòa trở lại với phần nghe ý kiến của bị hại. Mọi ánh mắt đổ dồn vào người cháu và cuối cùng anh N quyết định rút kháng cáo tăng hình phạt.

Đại diện VKS đề nghị tòa giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo sáu tháng tù. Tranh luận về việc này, luật sư của bị hại cho rằng dù bị hại rút kháng cáo tăng hình phạt nhưng việc giảm sáu tháng cho bị cáo là nhiều, chưa tương xứng…

Tòa tạm dừng ít phút để gia đình bị cáo Sĩ được nói chuyện, giải tỏa những
gút mắc. Ảnh: NHẪN NAM

Một lần nữa, vị thẩm phán lại lên tiếng thuyết phục bị hại, rằng “để đánh tan tranh luận giữa hai bên, tôi nghĩ bị hại cần lên tiếng trước khi bị cáo nói lời sau cùng. Anh có thể nói xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo không?” - vị thẩm phán hỏi. Anh N nói: “Xin tòa cứ theo pháp luật”.

Lúc này, mẹ của bị hại lên tiếng: “Tôi xin giảm nhẹ cho cậu Sĩ nhưng cậu phải hứa sau khi chấp hành hình phạt xong về không được qua nhà tôi quậy phá nữa”. Sau đó, mẹ của bị cáo (tức bà ngoại của bị hại) và các thành viên khác cũng khuyên bị hại xin giảm án cho bị cáo. Cuối cùng, anh N cũng đứng lên nói: “Dạ, xin tòa giảm án cho bị cáo”.

Vị thẩm phán tiếp lời bị hại: “Dù trong lòng anh chưa hài lòng nhưng vì mẹ, vì bà ngoại, anh đã xin giảm nhẹ cho bị cáo. Tòa hoan nghênh tinh thần của anh”.

Cái tâm của thẩm phán đã cứu vãn một tình thân

Nói lời sau cùng, bị cáo hứa với chị mình sẽ không quậy phá nữa! Tòa vào nghị án, mọi người trong gia đình bị cáo, bị hại lại ôm nhau động viên. Giọng ai đó trong nhà nói với bị cáo “hãy coi như một giấc mơ”!

Sau khi nghị án, HĐXX đã quyết định chấp nhận kháng cáo của bị cáo, giảm cho bị cáo sáu tháng tù so với bản án sơ thẩm.

Với cái tâm của người cầm cân nảy mực, các thẩm phán đã cho ra một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không những vậy, bản án còn chạm tới trái tim của nhiều người khi cứu vãn được một mối quan hệ gia đình tưởng chừng đã rạn nứt.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm