Từ năm 2012, tuần lễ cuối tháng 4 hằng năm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn là Tuần lễ chích ngừa thế giới (World Immunisation Week) để nâng cao nhận thức con người về tiêm ngừa. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tiêm ngừa đối với sức khỏe con người, đặc biệt là trẻ em.
Điều đáng sợ nhất sau việc những trang mạng xã hội đưa ra rất nhiều chứng cứ không thuyết phục, mang tính cá nhân kêu gọi người dân anti vaccine là nhận thức của người đọc các thông tin này. Đã có rất nhiều comment kiểu: “Trước giờ rất tin vaccine, giờ mới biết nó tai hại. Giã từ vaccine”, “Té ra chích vaccine chỉ tổ làm mau chết”…
Nhiều chuyên gia y tế, bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực nhiễm nhi, phòng chống dịch đã lên tiếng phản bác trào lưu nguy hiểm này.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, kiểm tra tình hình dịch bệnh tại khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1. Ảnh: HP
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, TP.HCM:
Cực đoan, mù quáng
Nếu tôi chế ra được vaccine, tôi sẽ chế ra vaccine chữa tất cả các bệnh, ngăn bệnh từ gốc ban đầu để không còn trẻ phải bị biến chứng, tử vong như bây giờ nữa. Chính từ thực tế số trẻ con mắc một loại bệnh nào đó quá nhiều, căn bệnh để lại quá nhiều biến chứng, dị tật, các nhà khoa học mới bắt tay nghiên cứu vaccine phòng ngừa.
Để sản xuất ra một loại vaccine mới người ta phải bỏ ra thời gian rất lâu nghiên cứu, tốn biết bao nhiêu là công sức. Không những thế, để cho một loại vaccine ra đời phải tốn hàng ngàn tỉ đồng. Họ đã thử nghiệm với nhiều khía cạnh, nếu không hợp họ sẵn sàng rút lại để nghiên cứu tiếp, áp lực của hội đồng y đức rất cao. Do đó, một loại vaccine ra đời, tồn tại từ năm này qua năm khác là cả một thành tựu, một công trình nghiên cứu, không nên chỉ vì một cá thể nhỏ, một nguyên nhân chưa chính xác mà mang nó ra phản đối, lôi kéo người khác không sử dụng. Điều này là tội ác!
Với sức mạnh của mạng xã hội hiện nay, hội anti vaccine đang lôi kéo rất nhanh những người chưa có lập trường vững vàng, những người đang lăn tăn quanh câu chuyện tai biến và tác dụng phụ của chủng ngừa.
Hầu hết những người lên tiếng mạnh mẽ chống lại vaccine đều có điểm giống nhau, họ có người thân trong gia đình, có con cái bị khiếm khuyết gì đó. Thông thường khiếm khuyết mang tính bẩm sinh nhưng họ lại cho rằng suốt thời gian trẻ thơ, thứ con họ tiếp xúc nhiều nhất là vaccine, từ đó họ đổ lỗi hoàn toàn cho vaccine. Hoặc những trường hợp có con tử vong sau tiêm vaccine, nguyên nhân chính là do cơ địa của mỗi trẻ, điều này chỉ mang tính cá thể, cần có thời gian tìm hiểu nguyên nhân xác đáng. Thế nhưng từ đó họ lại kêu gọi, cực đoan tìm nhiều thông tin nghi ngờ với vaccine để đưa lên mạng tạo ra hiệu ứng riêng cho họ, tiếp đó là lôi kéo cộng đồng.
Anti vaccine sẽ rất nguy hiểm, hậu quả không thể hiện ngay thời điểm phản đối vaccine mà sau một thời gian thì cộng đồng mới thấy hậu quả. Bằng chứng là năm 2014, dịch sởi quay lại và bùng phát rất nhanh. Khi đó có một số tai biến xảy ra khiến người dân lo lắng, sợ hãi và dừng tiêm vaccine cho con mình, vì thế khi dịch sởi quay lại ngành y tế gặp khó khăn, người dân phải trả giá bằng mạng sống.
Lưu ý thêm là trào lưu anti vaccine hiện nay nguy hiểm hơn trước, họ phản đối có chủ đích và có người hướng người dân theo nguồn thông tin sai lầm.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế:
“Hắt hủi” vaccine, dịch bệnh quay lại ngay!
Thực tế đã cho thấy các dịch bệnh như ho gà, sốt bại liệt, bạch hầu ngày xưa rất nhiều nhưng sau khi có vaccine, các dịch bệnh này tại Việt Nam đã giảm hẳn, thậm chí xóa sổ được. Một thời bệnh bạch hầu gần như đã bị đưa vào lãng quên và nhiều người đã chủ quan, không chú ý tiêm loại vaccine này. Kết quả là gì? Dịch bệnh đã lên tiếng, đầu tiên là ổ dịch bạch hầu tại Bình Phước, sau đó là bốn trẻ bị bạch hầu khu vực phía Bắc.
Câu chuyện trên cho thấy vaccine quan trọng như thế nào. Anti vaccine là trào lưu sai lầm, cần loại bỏ lối nghĩ này. Hãy thử vào khoa nhiễm các BV nhi, nhìn các bệnh nhi nằm bất động vì cha mẹ quên tiêm hay không quan tâm tiêm vaccine cho con mới thấy được hậu quả lớn thế nào.
Bộ Y tế luôn mong muốn người Việt Nam và trẻ em đều được tiêm vaccine, nhất là trẻ dưới hai tuổi phải được tiêm đúng lịch. Ngoài tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ vẫn khuyến khích cộng đồng tiêm thêm các mũi dịch vụ cho con em.
PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM:
Hãy chỉ tin các bằng chứng khoa học!
Tất cả vaccine ra đời đều có hệ thống báo cáo đầy đủ, được WHO kiểm duyệt, vì vậy nhà sản xuất chắc chắn không dám để sản phẩm không đạt chất lượng ra ngoài cộng đồng.
Chúng ta có thể thông cảm cho những người có con tiêm vaccine xong gặp những sự cố trùng hợp. Họ rất muốn biết rằng nguyên nhân con họ bị sự cố nhưng nguyên nhân thực sự lại không dễ tìm và không hề đơn giản. Do đó, họ đưa ra lý do tất cả là tại vaccine để tâm lý ổn định. Nhưng hành động hùa nhau phản đối gây tác động tâm lý đến cộng đồng là không đúng.
Vaccine bảo vệ cho cả một cộng đồng, khi ai cũng có miễn dịch thì dịch bệnh sẽ được hạn chế ở mức thấp nhất. Nếu chúng ta không coi trọng vaccine, dịch bệnh sẽ bùng lên rất nhanh. Trước những hội nhóm lên tiếng chống đối vaccine, chúng ta không có quyền ngăn cản hay xử lý họ nhưng chúng ta có quyền phản biện, đưa ra những chứng cứ có sức thuyết phục để bác bỏ luận điểm chưa đúng.
Người dân tốt nhất nên tin vào cơ quan y tế, đặt niềm tin vào khoa học chứ đừng tin vào số đông. Nơi nào có bằng chứng khoa học rõ ràng thì hãy nghe nơi đó.
Bùng phát bệnh vì không tiêm vaccine Theo WHO, nhờ tỉ lệ tiêm chủng vaccine sởi tăng hằng năm kể từ đầu thế kỷ đến nay, ước tính đã có 17,1 triệu người được cứu sống khỏi bệnh sởi. Tuy nhiên, các dữ liệu mới được công bố của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật của Hoa Kỳ (CDC), WHO, UNICEF, Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) cho thấy sự gia tăng tỉ lệ tiêm chủng vaccine sởi trên toàn cầu gần đây đã có xu hướng chững lại. Các chiến dịch tiêm phòng sởi thường kỳ đã cứu được khoảng 20,3 triệu trẻ em từ năm 2000 đến 2015. Trong năm 2015, khoảng 20 triệu trẻ bỏ lỡ tiêm ngừa sởi và ước tính khoảng 134.000 trẻ đã chết vì căn bệnh này. Tại Anh, năm 1974, tranh cãi về các phản ứng phụ của vaccine khiến việc tiêm chủng bị tạm dừng, kết quả dịch bệnh đã xảy ra trên 100.000 trẻ, gây ra cái chết cho 31 trẻ. Năm 1975, tại Nhật, khi tạm ngưng tiêm vaccine ho gà toàn tế bào để điều tra trường hợp tử vong, dịch bệnh đã xảy ra trên 13.000 trẻ, trong đó 113 trẻ tử vong. Gần đây, dịch sởi tại Mỹ, dịch bạch hầu tại Lào bùng phát cũng vì nguyên nhân phụ huynh chủ quan không đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh. NL tổng hợp |