Hồ sơ đất đai tại TP.HCM đã hết ách tắc sau sự cố lỗi phần mềm

(PLO)- Từ tháng 6-2023, Bộ TN&MT đã vào cuộc cùng với các địa phương xử lý hồ sơ đất đai nhằm bảo đảm thực hiện các giao dịch của người dân và doanh nghiệp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau một thời gian phần mềm xử lý hồ sơ nhà đất VBDLIS của Viettel cung cấp gián đoạn, đến nay việc giải quyết hồ sơ đất đai cho người dân và doanh nghiệp ở các địa phương trên cả nước đã cơ bản thông suốt.

Bộ TN&MT đã vào cuộc ngay từ khi xảy ra sự cố

Ngày 18-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Văn Phấn, Cục trưởng Cục Đăng ký và dữ liệu thông tin đất đai (Bộ TN&MT), cho biết ngay khi Viettel thông báo ngừng cung cấp dịch vụ từ tháng 6-2023, Bộ TN&MT đã nhận diện được vấn đề này. Ngay sau đó, bộ đã vào cuộc cùng với các địa phương xử lý nhằm bảo đảm thực hiện các giao dịch của người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương cần xây dựng kế hoạch thực hiện, thuê đường truyền, lựa chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ… “Bộ cũng ban hành các tiêu chí lựa chọn đơn vị cung ứng để hướng dẫn cho các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện và có thể bắt tay làm luôn vào đầu năm 2024” - ông Phấn nói. Ông Phấn cho biết đến nay đã là tháng 7-2024, do một số địa phương “ngồi chờ” nên dẫn đến tình trạng chậm như trên.

ho-so-dat-dai.jpg
Người dân làm hồ sơ nhà đất tại Văn phòng Đăng ký đất đai quận Tân Phú. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Cũng theo ông Phấn, trong cùng bối cảnh hoạt động như thế nhưng có tỉnh đã chủ động được, không bị ách tắc hồ sơ sau khi Viettel ngắt phần mềm. Chẳng hạn như Trà Vinh, một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng vẫn chủ động được. Hoặc như Hà Nội, từ hơn một năm nay cũng đã sử dụng hệ thống phần mềm của TP trong quản lý dữ liệu đất đai…

Ông Phấn khẳng định không phải đến Luật Đất đai năm 2024 mà từ Luật Đất đai năm 2013 (khoản 4 Điều 124) đã giao cho các địa phương có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương. Từ đó, cung cấp dữ liệu này cho Bộ TN&MT để tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Do vậy, các địa phương cần chủ động hơn trong triển khai các nội dung này.

Trước đó, vào ngày 20-6, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã có văn bản gửi các địa phương để đốc thúc tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai với các nhiệm vụ, giải pháp khá chi tiết và cụ thể.

Theo đó, Bộ TN&MT đề nghị các địa phương coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, dành nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Từ đó, bảo đảm đến năm 2025 đưa hệ thống thông tin quốc gia về đất đai vào vận hành, khai thác theo luật định.

Xử lý hồ sơ đất đai ở TP.HCM đã ổn định

Từ 7 giờ 30 ngày 6-6 đến 12 giờ ngày 10-6, hệ thống phần mềm chuyên ngành VBDLIS đã tạm dừng cung cấp dịch vụ kết nối. Cũng như các tỉnh, thành khác, toàn bộ quá trình xử lý hồ sơ đất đai của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TP.HCM cũng bị gián đoạn. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, phần mềm đã tiếp tục vận hành, các thủ tục đã được thực hiện lại bình thường.

Ông Nguyễn Lê Tuân, Giám đốc VPĐKĐĐ quận Bình Tân, cho biết hiện nay các hồ sơ liên quan đến đất đai đã thực hiện lại bình thường, không bị ùn ứ hồ sơ, phần mềm hiện vẫn hoạt động. “Chỉ từ ngày 6 đến 10-6, khi phần mềm quản lý ngừng hoạt động mới ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ. Sau đó, phần mềm hoạt động trở lại thì các quy trình, thủ tục vẫn thực hiện bình thường, không có việc ùn ứ hồ sơ” - ông Tuân nói.

Tại Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Bình, hồ sơ cũng trục trặc trong những ngày phần mềm bị ngưng nhưng sau đó đã thực hiện lại bình thường.

“Trong tháng 6, một số ngày phần mềm ngưng hoạt động cũng có ảnh hưởng đến việc giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, thời điểm này chúng tôi vẫn thực hiện nhập dữ liệu trên hệ thống nội bộ và giải quyết hồ sơ đất đai cho người dân. Đến nay mọi thứ đã vận hành trở lại bình thường” - đại diện Chi nhánh VPĐKĐĐ quận Tân Bình khẳng định.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cũng đã có văn bản gửi các địa phương để đốc thúc tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.

Theo UBND TP.HCM, hiện nay Bộ TN&MT chưa thống nhất phần mềm quản lý thông tin đất đai dùng chung cho cả nước. Để duy trì kết nối, chia sẻ thông tin trên cổng dịch vụ công, các hệ thống khác và công tác quản lý hồ sơ địa chính số, TP triển khai thí điểm hệ thống thông tin quản lý đất đai VBDLIS (Vietnam Land Database and Land Information System) của Viettel gắn với vận hành hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP để tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Vì vậy, từ ngày 22-10-2022, cơ sở dữ liệu địa chính đã được quản lý vận hành tập trung thống nhất. Theo đó, 100% đơn vị tiếp nhận, cập nhật hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP (trừ các thủ tục ghép, rút gọn đang trình quy trình, thủ tục đã trình đang chờ UBND TP ban hành theo thẩm quyền).

TP đã thực hiện kết nối giữa hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TP, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống thông tin quản lý đất đai, số hóa kết quả giải quyết TTHC.

Tuy nhiên, trong thời gian từ 7 giờ 30 ngày 6-6 đến 12 giờ ngày 10-6, hệ thống phần mềm chuyên ngành VBDLIS đã tạm dừng cung cấp dịch vụ kết nối. Điều này đã dẫn đến toàn bộ hồ sơ số về đất đai trên hệ thống của VPĐKĐĐ dừng hoàn toàn.

Cũng theo UBND TP.HCM, phần mềm này đang được Viettel cung cấp miễn phí cho TP.HCM theo dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” do Chính phủ thực hiện từ năm 2017, World Bank tài trợ. Dự án đã kết thúc cách đây hai năm.

Không còn nguồn tài trợ nên Viettel cũng không thể vận hành miễn phí mà có thể ngừng bất cứ lúc nào. Trong khi đó, TP.HCM là địa phương đầu tiên bị ảnh hưởng. Vì vậy, khi xảy ra sự cố, UBND TP.HCM đã đề nghị Viettel hỗ trợ mở lại dịch vụ nhưng doanh nghiệp này chỉ đồng ý cung cấp một số ngày trong tuần.

36 tỉnh, thành sử dụng phần mềm VBDLIS

Không chỉ TP.HCM, hệ thống phần mềm VBDLIS (Vietnam Land Database and Land Information System) được Viettel cung cấp miễn phí cho 36 tỉnh, thành. Ở một số tỉnh, 100% TTHC về đất đai đều thông qua hệ thống này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm