Hồ titan vỡ, nhuộm đỏ biển Bình Thuận

“Hồ chứa nước khai thác titan bị vỡ có sức chứa khoảng 180.000 m3 nhưng bờ hồ chỉ đắp bằng đất cát, không kiên cố”. Chiều 16-6, sau khi đi khảo sát hiện trường về, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết.

Hồ vỡ tạo lũ nước thải khai thác titan

Trước đó, khoảng 5 giờ cùng ngày, nhiều người đang lưu thông trên đoạn đường ĐT 719 Thuận Quý - Tân Thành (Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) ven biển đã kinh hoàng tháo chạy khi cả núi cát từ trên cao bất ngờ đổ ập xuống.

Trong tích tắc, lượng cát khổng lồ từ trên cao đổ xuống vùi lấp một đoạn đường dài khoảng 300 m, dày đến nửa mét. Đoạn đường bị cát vùi lấp gần như tê liệt. Bà Trần Thị Nam, chủ dự án resort Hiếu Nam, cho biết lũ cát ập xuống rất nhanh đã làm hư hại vườn lan và cuốn sạch cả ao cá cùng một số vật dụng ra biển. Thiệt hại ước tính khoảng 1 tỉ đồng.

Theo ghi nhận, lượng cát đỏ khổng lồ bị cuốn chảy tràn ra biển Thuận Quý và nhuộm đỏ nước biển ven bờ khoảng 2 km. Được biết lượng cát nói trên nằm trong dự án khai thác khoáng sản titan với diện tích 507 ha của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường. Hồ chứa nước bị vỡ đã cuốn một khối lượng cát khổng lồ xuống đường. Sau sự cố, Công ty Tân Quang Cường đã điều xe ủi, xe ben đến dọn đường. Đến khoảng 10 giờ cùng ngày, con đường đã thông xe tạm.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công an tỉnh Bình Thuận, Sở TN&MT có mặt lập biên bản vụ việc. Chiều 16-6, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết tuyến đường bị chia cắt đã được thông thoáng. Riêng sự cố làm thiệt hại tài sản dự án Hiếu Nam, hai bên đã tự thỏa thuận giải quyết.

Hồ chứa nước khai thác titan tạm bợ bị vỡ, cuốn hàng chục ngàn khối cát đỏ xuống đường, ra biển. Ảnh: PN

Hàng loạt sai phạm ở dự án

Theo nguồn tin của chúng tôi, dự án hiện vẫn chưa đủ điều kiện để khai thác titan. Cụ thể, dự án này có 11 vi phạm được phát hiện từ cuối năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục, trong đó có việc xây dựng trái phép trạm bơm Suối Nhum, khai thác titan trái phép ở nhiều khu vực với tổng diện tích tác động trên 10 ha; không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn; chưa được xác nhận hoàn thành kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án...

Phóng viên nêu thắc mắc về thông tin cho rằng dự án trên chưa hoàn tất các thủ tục để đủ điều kiện khai thác titan, ông Hòa cho biết đã chỉ đạo cho Sở TN&MT kiểm tra toàn diện, từ giấy phép đến các căn cứ pháp lý. “Ngoài dự án này, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm tra tất cả dự án khai thác khoáng sản titan trên toàn tỉnh”.

Chiều 16-6, ông Nguyễn Đình Trung, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, thừa lệnh chủ tịch tỉnh ký công văn hỏa tốc giao Sở TN&MT kiểm tra, có biện pháp khắc phục hậu quả tràn cát, ổn định tình hình trật tự tại địa phương. Ngoài ra, sở này phải báo cáo tình hình thực hiện hồ sơ thủ tục dự án khai thác titan của Công ty Tân Quang Cường và làm rõ có hay không việc khai thác titan của công ty này thời gian vừa qua. Nếu phát hiện có vi phạm thì kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, báo cáo UBND tỉnh trước 8 giờ ngày 17-6.

Pháp Luật TP.HCM sẽ theo dõi, tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Bùn khai thác titan có độc hại?

Trao đổi với phóng viên Pháp Luật TP.HCM về bùn có màu đỏ ở công ty khai thác titan tại Bình Thuận tràn ra môi trường có độc hại không, một cán bộ thanh tra Bộ TN&MT nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy  báo chí đăng ảnh bùn màu đỏ chảy ra từ công ty khai thác titan vì đây là khai thác kiểu sa khoáng ven biển. Nói nôm na là đãi cát lấy titan nên tôi chưa hiểu bùn đỏ từ đâu ra. Thường bùn đỏ chỉ có ở công trình khai thác titan dạng mỏ. Hiện ở Việt Nam chỉ có Thái Nguyên có mỏ titan dạng này nên phải đợi Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận báo cáo cụ thể sự cố này, chúng tôi mới đánh giá được bùn này có độc hại hay không”.

Trong khi đó, một số chuyên gia môi trường từng tham gia đánh giá tác động môi trường các dự án khai thác titan ở Bình Thuận cho biết vùng đất này có nhiều đồi cát có màu nâu đỏ nên chuyện nước bùn màu đỏ chảy ra từ công ty khai thác titan là bình thường. “Về nguyên lý hoạt động, các dự án khai thác titan ven biển kiểu sa khoáng là tuyển rửa bằng cơ học nên không có hóa chất độc hại. Nói dễ hình dung là họ dùng nước để đãi cát lấy titan và không dùng hóa chất vào quá trình khai thác” - một giảng viên ĐH Bách khoa TP.HCM chuyên ngành giải thích thêm.

KHANG BÁCH

Nguy cơ túi cát 20.000 m3 trên cao bục vỡ

Hiện vẫn còn một “túi cát” hơn 20.000 m3 của dự án này nằm “treo” trên cao. Nếu trời mưa lớn chắc chắn túi cát trên sẽ vỡ và trôi xuống đường. Trước mắt, tôi đã yêu cầu các cơ quan liên quan và chủ đầu tư thường xuyên theo dõi, giám sát và trường hợp có sự cố xảy ra phải khắc phục ngay.

Ông NGUYỄN ĐỨC HÒA,
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm