Clip Bà Nguyễn Thị Phúc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng: "Vấn nạn phá rừng tạixã Phan Dũng (huyện Tuy Phong) là quá nghiêm trọng"
“Sau vụ việc diễn ra hôm 14 và 15-4 (dẫn đến việc người dân chặn xe ở quốc lộ 1A - NV), UBND tỉnh đã chỉ đạo phải quyết liệt xử lý ô nhiễm. Nhà đầu tư đã khắc phục cơ bản. Tuy nhiên, gần đây lại xảy ra sự cố kỹ thuật khi đưa tổ máy số 2 vào chạy thử”. Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nói như trên hôm 20-7 tại kỳ họp của HĐND tỉnh Bình Thuận.
Nghẹt phễu thu tro, phun ô nhiễm
Như Pháp Luật TP.HCM phản ánh, mới đây Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tiếp tục gây ô nhiễm khi ống khói khổng lồ nhả khói đen và tro bụi ra môi trường. Theo chủ nhà máy (Tổng Công ty Phát điện 3), ô nhiễm xảy ra là do nghẹt đường dẫn tro tại phễu thu tại bộ lọc bụi tĩnh điện. Đến nay sự cố đã được khắc phục.
Tại kỳ họp, ông Lê Tiến Phương cho biết trước đó tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt và nhà đầu tư đã khắc phục cơ bản ô nhiễm ở Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Song gần đây lại xảy ra sự cố. “UBND tỉnh đã báo cáo Thủ tướng, Thường vụ Tỉnh ủy và đề xuất hướng xử lý. Đến nay nhà máy đã khắc phục và UBND tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi sát để kịp thời xử lý” - ông Phương nói.
Giữa tháng 4-2015, nhiều người dân đổ xô ra chặn xe ở quốc lộ 1A để phản đối ô nhiễm ở Vĩnh Tân. Ảnh: ĐT
Đại biểu Trịnh Văn Thu chỉ thêm một điểm ô nhiễm gây bức xúc kéo dài khác. Theo đó, một ngày cuối tháng 6-2015, lợi dụng trời mưa, nhà máy cồn Tùng Lâm (Xuân Lộc, Đồng Nai) đã xả thải chưa qua xử lý ra sông Giêng thuộc xã Tân Đức, nơi giáp ranh với nhà máy. “Nước thải đen ngòm, bốc mùi làm cá chết phơi trắng bụng. Người dân địa phương chịu không nổi đã kéo lên UBND xã Tân Đức phản ứng” - ông Thu nói.
Được biết từ năm 2008 đến nay nhà máy cồn này đã nhiều lần lén lút xả thải ra sông Giêng và hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận đã có nhiều cuộc họp. Thanh tra Bộ TN&MT, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đã vào cuộc nhưng vẫn chưa chấm dứt.
Gỗ lậu dập dìu chở ngang trạm kiểm lâm
Bà Nguyễn Thị Phúc, đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận, cho biết công tác bảo vệ rừng ở một số địa phương chưa tốt. Cụ thể, tại xã Phan Dũng (huyện Tuy Phong) tình trạng phá rừng không thuyên giảm. “Lâm tặc đưa cả cơ giới vào rừng và khi các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng ra ngăn cản thì bị đe dọa” - đại biểu Phúc nói.
Theo đại biểu Phúc, từ xã xuống đồng bằng chỉ có con đường độc đạo, các phương tiện chở gỗ cũng đi con đường này. Các trạm kiểm lâm, ban quản lý bảo vệ rừng cũng nằm trên con đường này. “Thế nhưng mỗi ngày cũng trên con đường này có từ 60 đến 100 xe thồ, thậm chí có hôm từ 150 đến 200 xe, mỗi xe chở 2-3 khúc gỗ dài. Khi người dân báo thì lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng lại cho là xe chở… củi. Ngày 6-7, tôi đi công tác tại xã Phan Dũng bắt gặp bốn xe chở gỗ đi ngang qua các trạm nhưng không thấy ai kiểm tra. Ngoài ra, còn nhiều xe thồ ngồi hai bên đường chờ chở gỗ từ rừng ra. Vấn nạn phá rừng ở đây là quá nghiêm trọng” - bà Phúc nói.
Dự kiến hôm nay (21-7), HĐND tỉnh sẽ tiến hành phiên chất vấn. Trong đó, Sở NN&PTNT sẽ trả lời về nạn phá rừng Nà Dệt, Giếng Cọp (huyện Hàm Thuận Nam); vụ phá rừng phòng hộ Sông Lũy, Bắc Bình do Pháp Luật TP.HCM phản ảnh nhưng việc phát hiện, xử lý, ngăn chặn chưa có kết quả...
Người nước ngoài “phá” thị trường thanh long Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sản xuất, tiêu thụ thanh long khó khăn gần đây là do tình trạng nhiều người nước ngoài đến cư trú bất hợp pháp, kinh doanh trái phép. UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt nặng nhiều trường hợp. Nhưng vì sao họ ở đâu đến lại làm chủ thị trường, nắm hết nguồn nguyên liệu? Những người trồng, sản xuất thanh long hợp tác với họ chính đã làm phương hại đến lợi ích quốc gia, đến lợi ích của nông dân trồng thanh long. Chúng tôi đề nghị người trồng, sản xuất thanh long không hợp tác với những người buôn bán bất hợp pháp và báo ngay cho chính quyền địa phương để xử lý nghiêm. Ông LÊ TIẾN PHƯƠNG, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Dễ dãi cho khai khoáng, dân lãnh đủ Số dự án khai thác titan, khoáng sản ở tỉnh nhưng không có hợp đồng thuê đất nhiều hơn con số 73 dự án mà Sở TN&MT đưa ra. Tôi không hiểu sao không có hợp đồng, thực hiện nghĩa vụ tài chính, đóng thuế mà họ được khai thác? Ngoài ra, nhiều dự án khai thác titan không đúng quy định làm môi trường bị xâm hại và người dân phải hứng chịu ô nhiễm. Đại biểu NGUYỄN TOÀN THIỆN |