Hỗ trợ cho người nghèo khi viện phí tăng

Theo Sở Y tế TP.HCM, việc điều chỉnh tăng này là chuyển từ phần kinh phí hỗ trợ cho các BV sang hỗ trợ mua thẻ BHYT và chi phí điều trị các đối tượng xã hội. Người bệnh sẽ không chi trả thêm phần tăng này vì quỹ BHYT sẽ thanh toán.

Người nghèo, người mua BHYT sẽ có lợi

Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính Kế toán Sở Y tế TP.HCM, cho biết việc điều chỉnh giá lần này không phải là tăng chi phí thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các BV sang hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo, diện chính sách, bảo trợ xã hội mua thẻ BHYT, khám, chữa bệnh (KCB) BHYT.

Với người bệnh có mức hưởng quyền lợi 100% (tức quỹ BHYT thanh toán 100%) như người nghèo, trẻ em dưới sáu tuổi, diện bảo trợ xã hội thì không bị ảnh hưởng. Với người bệnh có mức hưởng quyền lợi 80% trở lên có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều. Chỉ bệnh nhân không có thẻ BHYT mới sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, việc tính đủ chi phí sẽ khuyến khích người dân tham gia BHYT. “Người dân sẽ thấy được lợi ích, tính nhân văn của BHYT là người không bệnh giúp cho người có bệnh, người bệnh ít choàng cho người bệnh nhiều, khi đau ốm sẽ được BHYT thanh toán” - bà Liễu phân tích.

Bà Liễu nói thêm đây cũng là thách thức đối với các cơ sở y tế có công suất sử dụng giường bệnh và số lần khám bệnh thấp. Nhưng sự điều chỉnh này cũng đòi hỏi cơ sở y tế phải có kế hoạch để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, thái độ phục vụ, y đức, thủ tục hành chính, thời gian chờ khám nhằm thu hút người bệnh.


Viện phí sẽ tăng mạnh, đồng thời những đối tượng yếu thế tại TP.HCM sẽ được ngân sách hỗ trợ tối đa. Ảnh: TÙNG SƠN

Từ 1-3, giá dịch vụ tăng khoảng 30%

Hiện nay giá dịch vụ KCB được xây dựng trên cơ sở các chi phí trực tiếp như chi phí về thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao; chi phí về điện, nước, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, thay thế dụng cụ... Từ ngày 1-3, giá KCB còn được cộng thêm chi phí phụ cấp đặc thù (thường trực, phẫu thuật, thủ thuật); chi phí tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định.

Cụ thể, mức tăng đối với giá dịch vụ ngày/giường bệnh, tùy theo xếp hạng BV và loại bệnh sẽ có mức tăng 12%-28%. Chẳng hạn, giá ngày/giường của khoa hồi sức cấp cứu, chống độc, giá cũ của BV hạng I, II và III lần lượt là 150.000 đồng, 100.000 đồng và 70.000 đồng. Từ sau ngày 1-3, mức giá sẽ lần lượt là 169.000 đồng, 115.000 đồng và 81.000 đồng. Đối với bệnh loại 1 gồm các khoa truyền nhiễm, hô hấp, huyết học, ung thư, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa…, mức giá trước và sau ngày 1-3 lần lượt của ba hạng BV trên là 80.000-99.000 đồng (tăng 24%), 65.000-80.000 đồng (23%) và 40.000-51.000 đồng (28%).

Ngoài ra, đối với các dịch vụ kỹ thuật khác (siêu âm, X-quang, xét nghiệm, các phẫu thuật…) cũng có mức tăng 6%-30%.

Theo bà Liễu, người bệnh vào viện trước ngày 1-3 sẽ được áp dụng mức giá quy định tại Thông tư liên tịch 04/2012 của liên bộ Y tế - Tài chính (mức giá cũ chưa có tiền lương và các phụ cấp đặc thù) cho đến khi ra viện hoặc kết thúc đợt điều trị ngoại trú.

Từ 1-7, giá giường bệnh tăng mạnh

Theo Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Tài chính ban hành ngày 29-10-2015, các cơ sở y tế công lập tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động và các cơ sở y tế ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động. Theo đó, mức giá gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương thực hiện kể từ ngày 1-7.

Như vậy, sau ngày 1-7, giá khám bệnh tùy theo xếp hạng BV sẽ tăng mạnh. Cụ thể: BV hạng I từ 20.000 đồng lên 39.000 đồng, BV hạng II từ 15.000 đồng lên 35.000 đồng, BV hạng III từ 10.000 đồng lên 31.000 đồng.

Mức tăng cao nhất theo thông tư này là giá giường bệnh, tùy theo loại bệnh sẽ tăng 109%-251%. Chẳng hạn, đối với bệnh loại 1 của BV hạng III tăng từ 40.000 đồng lên 149.800 đồng/ngày/giường/bệnh nhân; bệnh cấp cứu của BV hạng này tăng từ 70.000 đồng lên 245.000 đồng/ngày/giường/bệnh nhân… (xem bảng)

TP.HCM hỗ trợ tối đa cho người nghèo

Với bệnh nhân chuẩn nghèo của TP khi đi KCB sẽ được BHYT thanh toán 95%, ngân sách TP hỗ trợ 5%. Với bệnh nhân cận nghèo khi đi KCB sẽ được BHYT thanh toán 80%, ngân sách TP hỗ trợ 15%. Với bệnh nhân vừa vượt chuẩn cận nghèo của TP đang chạy thận nhân tạo sẽ được BHYT thanh toán 80%, ngân sách hỗ trợ 15%. Với trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh có thẻ BHYT thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng sẽ được ngân sách hỗ trợ phần còn lại sau khi đã trừ chi phí được BHYT thanh toán.

Ngoài ra, ngân sách TP còn hỗ trợ chi phí mua thẻ BHYT, cụ thể, với hộ nghèo thuộc chuẩn nghèo của TP, trẻ em dưới sáu tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội: Ngân sách TP hỗ trợ 100% chi phí mua thẻ. Với hộ cận nghèo của TP, ngân sách TP hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ, ngoài ra Quỹ Vì người nghèo còn hỗ trợ 30% chi phí mua thẻ còn lại.

Bà ĐINH THỊ LIỄU,
Trưởng phòng Tài chính Kế toán Sở Y tế TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới