Hỗ trợ nông dân vay vốn: Phải cụ thể!

Từ 1-5 đến 31-12-2009, nông dân được vay không lãi để mua máy bơm, máy gặt... Đó là nội dung Quyết định 497 vừa được Thủ tướng ký ngày 17-4. Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, đây là động thái tốt, giúp giải quyết nhu cầu vốn cho người dân tham gia sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng bày tỏ lo ngại làm thế nào để nông dân có thể tiếp cận được vốn kịp thời, đúng đối tượng khi họ không có tài sản thế chấp. Thậm chí ngay cả việc tự làm thủ tục để vay vốn cũng khiến nông dân gặp không ít khó khăn.

Các đoàn thể nên đứng ra bảo lãnh, tín chấp

. Ông có thể nói rõ hơn lo ngại về việc nông dân khó tiếp cận vốn?

+ Theo quyết định, người dân có nhu cầu sẽ làm các thủ tục vay vốn với ngân hàng như bình thường. Các ngân hàng sẽ tự động trừ 4% lãi suất cho người dân và không được quyền từ chối nếu mục đích vay vốn đúng diện được hỗ trợ. Tuy nhiên, theo tôi phải có hướng dẫn cụ thể về tài sản thế chấp, tín chấp, điều kiện vay... để vốn vay giải ngân kịp thời và đúng đối tượng. Bởi lẽ nông dân sẽ khó tiếp cận vốn khi họ không có tài sản thế chấp.

Do đó, theo tôi nếu khi họ không có tài sản thế chấp thì họ có thể thế chấp chính những máy móc, thiết bị như máy gặt, máy kéo... Ngoài ra, nếu không có tài sản thế chấp thì các tổ chức, đoàn thể của xã như hội cựu chiến binh, phụ nữ, hội làng nghề... có thể đứng ra bảo lãnh cho cá nhân hay doanh nghiệp, hợp tác xã vay.

Thời gian chỉ có tám tháng để vay hỗ trợ lãi suất nên cần phải hướng dẫn cụ thể để người dân tiếp cận vốn cho kịp thời, đúng đối tượng. Hầu hết hộ dân chưa đi vay bao giờ, do vậy cần phải được ngân hàng, các tổ chức, đoàn thể hướng dẫn thủ tục vay, điều kiện vay chứ không vay được sẽ rất tiếc.

. Ngoài thủ tục cần tài sản thế chấp, theo ông cần phải hướng dẫn thêm điểm gì nữa?

+ Để được vay vốn mua thiết bị sản xuất trong phục vụ sản xuất nông nghiệp hay vay tiền xây nhà thì người vay vốn phải được UBND cấp xã xác nhận là đối tượng trực tiếp sản xuất chứ không phải để bán lại. Thực hiện tốt chính sách này sẽ giúp nông dân có công cụ để sản xuất hàng hóa, đồng thời cũng hỗ trợ nhà sản xuất trong nước bán được hàng. Thực tế tại nhiều làng nghề như ở Xuân Tiến (Nam Định) đã sản xuất được những thiết bị như máy gặt, máy tuốt lúa, máy kéo, cả xe tải nhẹ chất lượng rất tốt mà giá lại thấp hơn rất nhiều so với thiết bị nhập.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là Quyết định có yêu cầu: hàng hóa thuộc diện được hỗ trợ lãi suất phải được đăng ký, niêm yết giá bán và có nhãn hiệu rõ ràng. Nhưng thực tế có không ít các thiết bị như máy gặt, máy tuốt lúa, cày, bừa... sản xuất tại các làng nghề chưa được đăng ký nhãn hiệu nhưng bán rất chạy, người tiêu dùng rất tin dùng. Do vậy, cần phải hướng dẫn chi tiết về việc này nhằm tạo điều kiện tối đa cho khu vực nông thôn tiếp cận được hỗ trợ của Chính phủ.

Cần khoanh lại nợ cũ

. Có ý kiến cho rằng không nên cố cứu những tổ chức sản xuất, kinh doanh đang hấp hối mà chỉ nên tập trung dành vốn cho những đơn vị thực sự tiềm năng?

+ Nhận định như thế chỉ mang tính giáo điều. Nó chỉ đúng với kinh tế thị trường hoàn hảo. Còn ở chúng ta mà áp đặt cách suy nghĩ như vậy sẽ rất đáng lo ngại. Bởi hầu hết vốn mà các doanh nghiệp có được là từ việc thế chấp mảnh đất, căn nhà của chính mình để kinh doanh. Nếu như nói để cho họ chết sẽ rất nguy hiểm đến nền kinh tế vì doanh nghiệp, các hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất mà phá sản thì sẽ có vài chục ngàn lao động nông thôn thất nghiệp. Riêng khu vực làng nghề, theo Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, chưa có doanh nghiệp, hộ gia đình nào phá sản mà chỉ có một phần thu hẹp sản xuất, sát nhập lại hoặc tạm ngưng sản xuất.

. Thưa ông, nếu cho vay với những hợp đồng mà khả năng thu hồi được nợ thấp sẽ rất rủi ro?

+ Có một điều tôi muốn nhấn mạnh là việc hiện nay doanh nghiệp đang khó khăn về thị trường. Đầu ra sản phẩm đang bí nên để vay ưu đãi doanh nghiệp cũng dè dặt. Kết quả thực tế mà tôi vừa đi đến các làng nghề, hầu hết các đơn hàng trong quý I của các doanh nghiệp sản xuất thủ công ở các làng nghề đều đã hết, còn quý II thì hầu như chưa ký được hợp đồng.

Do vậy, chúng ta cần khoanh lại hay gia hạn những khoản nợ cũ để tạo điều kiện cho người vay tiếp cận được vốn để thực hiện các dự án khả thi. Có trường hợp doanh nghiệp ở làng nghề Nam Định, Hà Nội đang tồn kho lượng hàng lên đến 20 triệu USD từ thời điểm vay vốn 18%-20%/năm. Như thế làm sao họ trả được nợ. Còn theo quy định, nếu có nợ quá hạn mà không được vay vốn ưu đãi sẽ rất khó khăn cho nông dân.

Còn về phía ngân hàng, nếu được hỗ trợ để trả nợ cũ cũng là điều tốt cho hệ thống ngân hàng. Nếu được vay để trả khoản vay trước đây cũng sẽ hạ rất thấp tỷ lệ nợ xấu.

. Xin cảm ơn ông.

Khi mua máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện chế biến và máy vi tính để hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, người dân sẽ được vay tối đa 100% giá trị hàng hóa và hoàn toàn được miễn lãi suất (riêng máy vi tính, số tiền được vay tối đa là năm triệu đồng).

Nếu mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp, người dân được vay tối đa số tiền bằng 100% giá trị hàng định mua nhưng không vượt quá bảy triệu đồng/ha. Với vật liệu xây dựng làm nhà ở, số tiền được vay hỗ trợ lãi suất không vượt quá 50 triệu đồng. Các khoản vay này chỉ được hỗ trợ 4% lãi suất.

LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới