Sáng 25-1, TAND quận 1 (TP.HCM) tiếp tục phiên xét xử vụ tranh chấp về quyền Sở hữu trí tuệ đối với bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”.
Tại phiên tòa, trả lời về việc trong tập 24 của bộ truyện có ghi tên tác giả là Công ty Phan Thị, ông Linh xác nhận khi phát hiện ra điều này ông đã không đồng ý và những tập sau này ông cũng chú ý đến vấn đề về tác quyền để xây dựng hình ảnh với công chúng.
Để khẳng định bị đơn - Công ty Phan Thị cũng là tác giả hợp pháp, đại diện – ông Nguyễn Vân Nam khẳng định lại rằng trong văn bản xin cấp bản quyền tác giả ông Linh đã thể hiện việc xin cấp giấy chứng nhận bản quyền là cho “chúng tôi” và chính ông Linh đã xác nhận bằng việc tự nguyện cam kết ký vào văn bản.
Tranh luận về việc làm biến thể hình tượng nhân vật, ông Linh cho là xâm phạm quyền nhân thân, ông Nam hỏi “như thế nào là biến đổi xâm phạm đến quyền nhân thân?”. Ông Linh đã trả lời rằng “sử dụng mà không hỏi tác giả thì đó là xúc phạm đến quyền nhân thân”. Ông Linh cũng cho biết ông chỉ chuyển quyền sở hữu chứ không chuyển quyền tác giả.
Khi được hỏi về ai là tác giả của truyện tranh Thần đồng Đất Việt ông Nam khẳng định chính bà Hạnh là tác giả.
Họa sĩ Lê Linh tại tòa. Ảnh: CHUNG VƯƠNG
Đáng chú ý, trong phần đặt câu hỏi, ông Nam đã… nhờ HĐXX trả lời câu hỏi. Vị chủ tạo phiên toà đã nghiêm túc đề nghị ông Nam tôn trọng HĐXX và khẳng định HĐXX không có nghĩa vụ trả lời câu hỏi của ông.
Trước đó, ngày 24-1, HĐXX đã đặt câu hỏi nhằm xác minh, làm rõ các vấn đề về quyền tác giả đối với 4 nhân vật Trạng Tý, Sửu "ẹo", Dần "béo", Cả "mẹo" trong bộ truyện tranh “Thần đồng Đất việt”.
Tranh luận tại toà, ông Lê Linh cho rằng chính mình mới là tác giả duy nhất vì chỉ có một mình ông đã tự thực hiện từ giai đoạn sáng tạo, sơ phác, hoàn chỉnh chân dung hình vẽ đến nghiên cứu tư liệu và hoàn thành kịch bản.
Sau một thời gian, bộ truyện này đã tạo được tiếng vang và được công chúng đón nhận, để kịp tiến độ phát hành nên trong quá trình hoàn thiện bộ truyện đã có thêm cộng sự tham gia hỗ trợ về mặt kỹ thuật như canh nét, kỹ thuật đồ hoạ vi tính…để hoàn thiện hình ảnh nhân vật.
Đại diện bị đơn tại tòa. Ảnh: CHUNG VƯƠNG
Về phần bị đơn, đại diện - ông Nam cho rằng hình tượng 4 nhân vật trong bộ truyện, bà Hạnh là người có ý tưởng từ rất lâu nhưng bản thân lại không phải là một hoạ sĩ có thể vẽ nên đã thuê và giao cho ông Linh cùng một đội khác nữa thực hiện việc tái hiện hình tượng nhân vật trên giấy. Đồng thời, bà Hạnh cũng đã nêu ý tưởng giao cho ông Linh khai thác các điển tích nhân vật trong dân gian xây dựng thành một bộ truyện tranh cho thiếu niên, nhi đồng.
“Năm 2002, ông Lê Linh cũng đã tự nguyện ký cam kết bằng văn bản để xác nhận đôi bên (ông Linh và bà Hạnh) là đồng tác giả đối với 4 hình tượng nhân vật trong truyện và được Cục bản quyền cấp giấy chứng nhận và hiện giấy chứng nhận này vẫn còn hiệu lực”–ông Nam cho biết. Ông Nam còn đưa ra đơn xin việc của ông Linh với nội dung công việc là vẽ minh hoạ với mức lương là 1,5 triệu đồng/tháng.
Đáp lại, ông Linh khẳng định rằng bà Hạnh chỉ làm công tác tổ chức, không tham gia vào bất kỳ các công đoạn sáng tác nào. Tại toà, ông Linh cũng đưa ra nhiều chứng cứ là những bản thảo vẽ hình 4 nhân vật Tý, Sửu, Dần, Mẹo trong giai đoạn hình thành bản thảo lúc ban đầu. Ông khẳng định trước toà, ông muốn đòi quyền tác giả duy nhất đối với 4 hình tượng nhân vật trong truyện Thần đồng Đất việt, bởi vì ông chính là người tạo ra tác phẩm, ông nói “người nào trực tiếp sáng tạo nên tác phẩm thì mới được xem là tác giả”.
Phiên toà đang tiếp tục diễn ra.