Đề nghị Lê Linh vẽ ngay tại tòa vụ 'Thần đồng đất Việt'?

Nguyên đơn trong vụ án là ông Lê Phong Linh và bị đơn là Công ty TNHH TM-DV-KT&Phát triển tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị) và bà Phan Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Công ty Phan Thị. 

Ông Lê Linh (áo hồng đậm sọc) tại tòa. Ảnh: YC

Tại phần hỏi, đại diện bị đơn hỏi ông Linh về việc trong văn bản gửi Cục Bản quyền ông Linh có nói dựa vào các ký ức tuổi thơ, hoàn cảnh sống mà ông xây dựng nên các nhân vật trong truyện Thần đồng đất Việt, ông Linh cam kết đây là các nhân vật do ông sáng tác. Trong khi đó, ông Lê Linh sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nhưng khung cảnh, ngôn ngữ và toàn bộ các tình tiết trong truyện Thần đồng đất Việt là của miền Bắc?

Lý giải về điều này, ông Linh cho rằng đây là qua kiến thức của ông, đâu cần phải ở đúng nơi đó. Kiến thức tuổi thơ cũng có thể do tìm hiểu, thông qua sách vở, phim ảnh... mà ông đã tiếp nhận từ hồi bé chứ không nhất thiết phải ở chính nơi đó.

Ai mới là tác giả thật sự?

Tại tòa, ông Linh cũng cho rằng ông chính là tác giả duy nhất của các nhân vật Trạng Tý, Sửu "ẹo", Dần "béo", Cả "mẹo" trong truyện Thần đồng đất Việt. Một mình ông lên ý tưởng, vẽ tranh từ giai đoạn vẽ sơ phát (vẽ bằng chì) và vẽ hoàn chỉnh (vẽ bằng mực). Tất cả các khâu từ sáng tạo, kịch bản, nghiên cứu tư liệu, vẽ và cả các khâu hỗ trợ ở thời điểm đầu ông là người làm hết. Cho tới khi hơn ba mươi tập, do yêu cầu của phát hành phải tăng tiến độ, giống như muốn đưa vào "công nghiệp" để hoàn thành nhanh và sớm chuyển đến độc giả nên mới có thêm cộng sự hỗ trợ canh nét...

Theo ông, dây chuyền sản xuất truyện tranh được đăng rất rõ trên tập 24 thể hiện rõ ông chính là tác giả duy nhất, đây là bằng chứng rất quan trọng. 

Ông Linh khẳng định bà Hạnh chỉ giao cho ông vẽ bộ truyện tranh dân gian. Còn ông trực tiếp lên ý tưởng, vẽ, đặt tên nhân vật, kịch bản.... Bà Hạnh chỉ tham gia công tác tổ chức chứ không nêu ý tưởng nhân vật, không tham gia vẽ cũng như các công đoạn. 

Hai bên đều có thể vẽ lại các nhân vật?

Đáng chú ý, khi HĐXX hỏi ông Linh "trong trường hợp nếu trong quá trình xét xử vụ án này HĐXX yêu cầu ông vẽ lại 4 hình tượng đó thì ông có vẽ được không và ông cần các công cụ, phương tiện nào"?

Ông Linh khẳng định chắc chắn ông vẽ được và tiện cho tòa ông chỉ cần có bút lông dầu và bản vẽ.

Tại tòa, nhiều lần ông Linh cung cấp chứng cứ cho tòa. HĐXX còn yêu cầu ông Linh làm rõ hình vẽ trên bản thảo. Ảnh: YC

 Cạnh đó, ông Linh cho rằng quyền tác giả phát sinh ngay trên bản thảo khi ông vẽ các nhân vật chứ không phải lúc đăng ký. Luật sư của ông Linh bổ sung thêm là theo Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ thì Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất l­ượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

Trong khi đó, đại diện bị đơn khẳng định chỉ có bà Hạnh là tác giả duy nhất của các hình tượng này, ông Linh không phải là đồng tác giả hay tác giả duy nhất. Chính bà Hạnh là người thuê ông Lê Linh và 1 đội nữa thể hiện, vẽ lại sao cho đúng hình dung, hình tượng trong trí tưởng tượng của bà Hạnh. Mặc dù vậy, bà Hạnh vẫn tham gia vẽ, vừa chỉ đạo vừa tham gia vẽ. Bà Hạnh không chỉ là tác giả của các hình vẽ mà còn là tác giả của các nhân vật, "hình tượng" nhân vật, đối với hoạt động nhân vật trong từng trang truyện.

Đại diện bị đơn tại tòa. Ảnh: YC

Bị đơn thừa nhận ông Linh có tham gia vẽ, họa lại cho đúng nhưng chỉ là cấu tạo, cấu trúc nhân vật còn vẽ nét thì là người khác vẽ. Người vẽ lại, thể hiện tác phẩm của người khác thì không phải là tác giả.

Bị đơn cũng lưu ý về vấn đề HĐXX có nói đến việc sẽ có thể tổ chức cho ông Linh vẽ lại để kiểm chứng thì bị đơn sẽ đề nghị một người bất kỳ khác vẽ lại các nhân vật này. Điều này để chứng tỏ rằng không phải chỉ là tác giả mới có thể vẽ được mà bất kỳ người nào cũng có thể vẽ được các hình vẽ như vậy...

Gần 13 giờ cùng ngày, HĐXX tạm ngừng, phiên tòa sẽ tiếp tục vào sáng mai, 25-1.

Cần tôn trọng văn hóa pháp đình

Tại phần hai bên đặt câu hỏi, luật sư bảo vệ cho ông Linh đã đề nghị đại diện bị đơn nghe rõ phần trả lời của ông Linh. Đại diện bị đơn cho rằng việc nghe hay không là quyền của bị đơn. Bị đơn đặt câu hỏi và có những câu hỏi chỉ cần nhìn vào thái độ của người được đặt câu hỏi là đã biết câu trả lời mà không cần nghe trả lời. Bị đơn cũng đề nghị HĐXX xem xét nhắc nhở ông Linh.

Chủ tọa đã phải nhắc nhở cả hai bên cần tôn trọng lẫn nhau, đây là nét văn hóa pháp đình, kể cả trong việc đặt và trả lời câu hỏi. Và lưu ý đây chỉ là phần đưa ra câu hỏi còn chưa tới phần tranh luận, trong khi HĐXX không chỉ căn cứ vào câu hỏi và câu trả lời của các đương sự - vì đây chỉ là một phần trong toàn bộ chứng cứ được công khai tại tòa nên mong các bên giữ bình tĩnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm