Hoa tím đã “thôi không chờ nữa”...

Câu thơ giản dị nhưng phản ánh đúng tâm trạng ngu ngơ, suy nghĩ “tạch tạch sè” của một thế hệ học sinh thành thị miền Nam sau năm 1975 lần đầu tiên “lên rừng xuống biển”. Sau này gặp nhau, anh hào phóng bảo: “Mình tặng Quốc hai câu thơ đó”. Chính vì thế mà trong tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc (in chung với Đoàn Tuấn, NXB Trẻ 1997), tôi đã cho in bài thơ Trưa nay với lời ghi “Tặng Cao Vũ Huy Miên”: “...Câu thơ bạn viết thời phóng khoáng/ Còn nghe dội lại tiếng cười vang/ Những bóng mây trôi trong trí nhớ/ Muôn đời sau râm mát chỗ ta ngồi/ Một dòng kênh xanh. Một vòm trời vạm vỡ/ Ta ngước nhìn còn thấy mặn mồ hôi”...

Không như những nhà thơ khác, Cao Vũ Huy Miên thường bộc lộ rõ tính chất “dân chơi” mà tôi rất khoái. Khoái ở chỗ anh ăn nói bỗ bã, thường cười hề hề, bộc trực, thẳng tính, ghét thương ra mặt, không để bụng... Hơn cả thế, anh còn là tay kể chuyện tiếu lâm “mặn”, hát bài chòi Quảng Nam có duyên ra phết. Mấy bài chòi độc đáo mà tôi viết trong tập Người Quảng Nam (NXB Đà Nẵng 2007) là do chính anh cung cấp. Tại sao anh có? Trước đây, cứ sau Tết là anh cùng nhà thơ Cung Văn, Trần Từ Duy... rủ nhau quay về xứ Quảng, đi Hội An, ra cù lao Chàm hưởng xuân đến hết rằm. Nhờ thế mà anh có dịp quan sát, ghi chép lời ăn tiếng nói của quê mình.

Tư chất ấy cũng góp phần làm nên diện mạo thơ của Cao Vũ Huy Miên. Tôi lại nhớ đến những câu thơ anh viết thời TNXP: “Khi mình về... nơi ấy tuổi hai mươi/ Trưa nao lòng nằm nghe chiền chiện hót/ Thương bàn tay chưa rành tra cán cuốc/ Hết rộp phồng rồi thành những nốt chai”. Cứ tưởng như anh viết cho chính tôi, thế hệ của chúng tôi. Có lẽ bài thơ ấn tượng nhất của anh mà tôi tin các cựu TNXP còn thuộc vẫn là Tờ báo tường trên chốt tiền tiêu. Đọc mấy câu đầu đã rưng rưng nước mắt: “Tờ báo tường bị miểng cắt làm hai/ Đội phó chính trị một mình loay hoay ngồi dán/ Miểng cắt nhằm ngay bài thơ tải đạn/ Tác giả mới hy sinh trong trận đánh hồi chiều/ Nên bài thơ đành bỏ dở mấy câu”... Chao ơi! Năm tháng ấy làm sao có thể quên Cao Vũ Huy Miên nhỉ?

2. Có lần tôi hỏi anh về nguyên cớ viết bài thơ Hoa tím ngày xưa nhằm phục vụ cho chương trình Thơ ca giao hòa của HTV. Anh kể: “Một buổi trưa, tôi đến nhà người bạn ở khu tập thể trên đường Trương Định. Đứng ở căn phòng trên cao nhìn xuống một tán cây bằng lăng đang trổ đầy hoa tím, có một đôi trai gái đang đứng bên nhau thật lâu. Bất ngờ, trời lất phất mưa và người con gái bỏ đi về phía cuối đường. Tôi linh cảm dường như họ chia tay... Đêm về, tôi đi bộ lang thang qua những con đường có trồng cây ngọc lan, hình ảnh đôi trai gái ban trưa cứ hiện lên trong đầu, văng vẳng tiếng dương cầm nhà ai quyện trong hương ngọc lan, tôi đã nẩy ra tứ thơ Hoa tím ngày xưa: “Con đường em về ban trưa, Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ, Tuổi em vừa tròn mười bảy, Tóc em vừa chớm ngang vai”...

Khi nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc thì nó lập tức được công chúng yêu thích. Không những thế, nhạc sĩ Thế Hiển cũng phổ thành công vài bài thơ của anh.

3. Trước đây, cứ mỗi sáng là chúng tôi lại gặp nhau ở quán phở bà Dậu. Câu chuyện của chúng tôi vẫn là thơ và... bệnh tiểu đường! Dạo đó anh đã mang chứng bệnh này rồi. Rồi bẵng đi một thời gian không gặp. Có lần nghe nhà văn Nguyễn Nhật Ánh lo âu báo tin là anh nhập viện và có thể “đứt bóng”. Nỗi lo ấy rồi cũng qua. Nào ngờ chiều qua nhận được hung tin từ nhà thơ Vũ Ân Thy, tôi thẫn thờ... Lập tức trong trí nhớ hiện về gương mặt đôn hậu, hiền lành của anh và câu thơ của anh: “Muốn trở về nơi ấy cùng em/ Ngồi ngâm lại một bài thơ cũ/ Chỉ một cây đàn thôi cũng đủ/ Ngồi tựa vai đến suốt giao thừa”...

Không kịp nữa rồi, Miên ơi!

Cao Vũ Huy Miên tên thật là Đinh Đoan Hùng, sinh năm 1955 tại Duy Xuyên, Quảng Nam, tham gia văn nghệ, thanh niên xung phong, làm phóng viên văn nghệ Báo Sài Gòn Giải Phóng, hội viên Hội Nhà văn TP.HCM...

Hai tập thơ của ông được nhiều người hâm mộ là Một thời kỷ niệm và Hoa tím ngày xưa. Đặc biệt, bài thơ Hoa tím ngày xưa của ông được nhạc sĩ Hữu Xuân phổ nhạc với ca từ từng làm say lòng nhiều thế hệ trẻ.

Do bệnh nặng, Cao Vũ Huy Miên đã từ trần lúc 17 giờ ngày 25-11-2008. Linh cữu nhà thơ quàn tại nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, quận 3), di quan hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa vào 9 giờ 30 ngày 28-11.

Báo Pháp Luật TP.HCM xin thành kính chia buồn cùng tang quyến.

LÊ MINH QUỐC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới