Ngày 24-11, một nguồn tin cho biết VKSND tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Phạm Công Danh, Trầm Bê cùng 44 bị can trong giai đoạn 2 vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến 3 ngân hàng, gồm Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Ông Phạm Công Danh nguyên là chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB); nguyên chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh.
Trước đó, Phạm Công Danh và 14 bị can khác đã bị TAND TP.HCM xét xử và tuyên án về hành vi vi phạm quy định cho vay... và cố ý làm trái các quy định... gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng tại VNCB.
Tháng 9-2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau này đổi tên thành VNCB), ông Danh đã lợi dụng vị trí đứng đầu để tuyển chọn và đưa người của mình vào tiếp quản, điều hành mọi hoạt động của ngân hàng.
Ông Danh đã chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ khống vay vốn để rút tiền sử dụng trong khi VNCB đang bị NHNN đưa vào diện kiểm soát, mọi giao dịch trị giá 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của tổ giám sát NHNN.
Tại Sacombank, ông Trầm Bê (phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng Sacombank) được xác định vốn có mối quan hệ quen biết với Phạm Công Danh.
Do biết rõ ông Danh không được phép vay tiền từ ngân hàng VNCB, Trầm Bê và thuộc cấp đã giúp sức cho bị can này trong việc rút tiền của VNCB thông qua gửi tiền của chính ngân hàng này vào Sacombank. Mục đích là để trả nợ thay cho 6 công ty do ông Danh thành lập và điều hành.
Vì 6 công ty của ông Danh không trả được tiền, Sacombank đã cấn trừ các khoản tiền gửi của VNCB tại ngân hàng này. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho VNCB số tiền 1.800 tỉ đồng. Mặc dù Sacombank không bị thiệt hại, nhưng sự giúp sức của Trầm Bê và Phan Huy Khang đã giúp Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB.
Tại TPBank, Phạm Công Danh và đồng phạm dùng tiền gửi của VNCB tại đây để bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty, đồng thời mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty TNHH MTV Trung Dung do chính ông Danh thành lập, điều hành. Hành vi này gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỉ đồng.
Còn tại BIDV, ông Danh cũng dùng tiền gửi của VNCB tại đây để bảo lãnh và trả nợ thay cho 12 công ty do mình thành lập và điều hành, gây thiệt hại cho VNCB hơn 2.500 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, do các công ty của ông Danh chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty đó, dẫn đến thiệt hại hơn 6.000 tỉ đồng.
Cáo trạng nhận định hành vi của Phạm Công Danh vi phạm một loạt các luật, nghị định, thông tư quy định về các hoạt động tín dụng.
Như vậy, Phạm Công Danh đã chủ mưu cùng các đồng phạm gây thiệt hại hơn 15.000 tỉ đồng qua 2 giai đoạn vụ án.
Hiện hồ sơ vụ án được chuyển cho VKSND TP.HCM thừa ủy quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án tại TAND cùng cấp.