25 bị can trong vụ ông Trầm Bê gồm những ai?

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 1-8, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã bắt, khám xét nơi ở của ông Trầm Bê, nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và ông Phan Huy Khang (nguyên tổng giám đốc Sacombank) để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sacombank, TPBank, BIDV và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Nhiều bị can đã bị xét xử trong vụ án Phạm Công Danh

Cũng trong ngày 1-8, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát đi thông báo: Ngoài ông Trầm Bê và Phan Huy Khang, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố 23 bị can khác, trong đó 15 người đang tạm giam để điều tra.

Theo nguồn tin của PV, thực chất ngoài ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang vừa bị khởi tố thì đa số bị can trong vụ án mới này đã bị xét xử trong vụ án Phạm Công Danh trước đó.

Cụ thể, ngoài bị can Danh, các bị can khác đang bị tạm giam trong vụ án trước đó gồm: Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (trưởng Ban kiểm soát VNCB), Phan Minh Tùng (phụ trách kế toán tại Tập đoàn Thiên Thanh); Trần Văn Bình (tổng giám đốc Công ty Trung Dung). Những người này đã bị kết án về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Hiện cơ quan CSĐT tiếp tục khởi tố tội danh mới và họ đang tiếp tục bị tạm giam.

Những người còn lại đa phần là các bị án trong vụ án Phạm Công Danh, có người đang được tại ngoại, có người đã bị bắt giam và bị công an tiếp tục khởi tố về tội danh mới.

Bị can Trầm Bê (trái) và bị án Phạm Công Danh (phải) tiếp tục bị khởi tố. Ảnh: CTV

Tiếp tục giai đoạn 2 của vụ án

Trước đó, bị bó buộc bởi thời hạn điều tra nên công an đã tách nhiều bị can có sai phạm trong vụ án Phạm Công Danh để điều tra tiếp.

Giai đoạn 2 này, công an tiếp tục xác định nhiều người từng nắm giữ các chức vụ ở Sacombank, TPBank, BIDV và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) có hành vi sai phạm nên tiếp tục khởi tố họ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định với vai trò chủ tịch HĐQT VNCB, ông Danh đã chỉ đạo HĐQT và Ban kiểm soát VNCB, nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh (do ông Thanh là chủ tịch HĐQT) lập nhiều hồ sơ vay vốn khống rút tiền sử dụng. Bị can Danh dùng phương thức gửi tiền của VNCB sang ba ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty bị can này lập ra.

Ông Trầm Bê đã giúp sức cho bị can Danh vay hơn 1.800 tỉ đồng, cho giải ngân trước, bổ sung hồ sơ sau.

Ngoài ra, ông Danh còn vay, gửi, giao dịch hàng ngàn tỉ đồng tại TPBank, BIDV, VNCB và công an xác định có nhiều sai phạm trong việc này. Nhiều người ở các ngân hàng trên bị cáo buộc là có hành vi giúp sức cho các sai phạm của ông Danh.

Chiều tối 2-8, nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đang điều tra mở rộng các vi phạm của ông Trầm Bê và các cá nhân liên quan đến các hoạt động tài chính.

Ở giai đoạn 1, tòa phạt các bị cáo: Phạm Công Danh 30 năm tù; Phan Thành Mai 22 năm tù; Mai Hữu Khương 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết 19 năm tù; Nguyễn Quốc Viễn chín năm tù; Phan Minh Tùng bảy năm tù; Bạch Quốc Hào bảy năm tù về hai tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

28 bị cáo khác bị phạt từ ba đến năm năm tù về hai tội danh trên và nhiều người được hưởng án treo.

HY

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy