Theo cáo trạng, công ty của Vân Anh đã ký hợp đồng tín dụng vào ngày 31-12-2009 với Ngân hàng TMCP PGBank - Sài Gòn để vay gần 6 tỉ đồng. Tài sản thế chấp là bốn ô tô, trong đó có hai chiếc hình thành trong tương lai vì chưa có biển số. Tuy nhiên, toàn bộ hồ sơ thế chấp đều là giả.
Tại tòa, bị cáo khai ban đầu đem bốn bộ hồ sơ thật của bốn ô tô đem thế chấp ngân hàng để vay tiền bằng ba hợp đồng tín dụng. Sau đó bị cáo làm đơn xin rút hồ sơ với lý do cần sao y bản chính cho khách hàng mua xe xem. Lợi dụng sơ hở này, bị cáo đã làm bốn bộ hồ sơ giả để đưa lại cho ngân hàng, còn hồ sơ thật thì đem giao cho người mua xe. Đến cuối năm 2009, khi ba hợp đồng vay quá hạn, ngân hàng biết bốn ô tô thế chấp đã được bị cáo bán nên yêu cầu bị cáo phải làm một hợp đồng tín dụng vào ngày 31-12-2009, tổng hợp toàn bộ số tiền vay trong ba hợp đồng trước đó thành một hợp đồng mới nhằm hợp thức hóa khoản nợ. Tất nhiên, khi làm hợp đồng mới này, ngân hàng không hề giải ngân số tiền ghi trong hợp đồng.
Trong khi đó, đại diện ngân hàng lại nói vào ngày 31-12-2009, sau khi bị cáo đã tất toán khoản nợ của ba hợp đồng vay ban đầu thì phía công ty của bị cáo mới cùng ngân hàng ký tiếp hợp đồng tín dụng mới vay gần 6 tỉ đồng và thế chấp bằng bốn bộ hồ sơ giả nói trên.
Theo các luật sư, cần làm rõ hợp đồng tín dụng ngày 31-12-2009 có phải là hợp đồng mà ngân hàng dùng để hợp thức hóa các khoản vay của ba hợp đồng tín dụng trước đó hay không. Liệu ngân hàng có biết trước việc bị cáo đã bán tài sản thế chấp nhưng vẫn tiếp tục cho vay hay không. Nếu làm rõ được những vấn đề trên thì có thể tội danh của bị cáo sẽ chuyển từ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
PHAN THƯƠNG