Hoãn xử vụ cướp điện thoại ‘cùi bắp’ của người tình

Chiều 18-11, TAND TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án Phạm Châu Tony (sinh năm 1988) cướp tài sản. Sau khi xét hỏi và tranh luận căng thẳng, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa để dành thời gian cho phía gỡ tội cung cấp các tài liệu, chứng cứ về lời khai của nạn nhân mà họ cho là làm thay đổi bản chất vấn đề. Dự kiến khi phiên tòa mở lại, tòa có thể triệu tập những người liên quan đến làm rõ nội dung vụ án.

“Cướp điện thoại cùi” để xem tin nhắn vì ghen

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, trước đó bị cáo Tony cũng bị truy tố về tội danh trên nhưng theo khoản 4 Điều 133 BLHS (khung hình phạt từ 18 đến 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình) và được đưa ra xét xử tại TAND TP.HCM. Khi đó, bị cáo bị quy buộc trong tài sản cướp của người tình đại gia có chiếc nhẫn kim cương trị giá 7 tỉ đồng. Sau đó tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì có nhiều tình tiết chưa rõ.

Sau khi điều tra bổ sung, Tony chỉ bị truy tố tội cướp tài sản theo khoản 1 điều luật trên (khung hình phạt 3-10 năm tù). Lúc này chiếc nhẫn kim cương đã bị bỏ ra vì chưa đủ cơ sở xác định, tài sản cướp còn lại là hai cái điện thoại di động “cùi bắp” trị giá 410.000 đồng. Xử sơ thẩm, TAND quận 2 phạt bị cáo này bốn năm tù.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nói về việc đánh nhau, giằng co lấy hai điện thoại của nạn nhân, bị cáo cho rằng đó không thể là hành vi cướp như cơ quan công tố cáo buộc. Tony nói “giữa bị cáo và người bị hại (lệch nhau 22 tuổi) gần 10 năm quan hệ tình cảm mật thiết, sống chung với nhau như vợ chồng, có lúc giận hờn cãi nhau. Sự việc xảy ra rất bình thường vì ghen tức, bị cáo chỉ muốn lấy điện thoại của người tình để kiểm tra nội dung tin nhắn. Quá trình bên nhau bao năm, nhiều lần người bị hại cũng lấy điện thoại của bị cáo để xem. Đây chỉ là chuyện tình cảm, chuyện bình thường.


Bị cáo Phạm Châu Tony (trái) tại phiên xử chiều 18-11. Ảnh: ÁI MINH

Tuy nhiên, công tố viên không đồng tình mà cho rằng đó không thể là chuyện bình thường vì trái ngược với thực tế, khi nạn nhân đã tri hô bị cáo vẫn cướp và cắn nạn nhân gây thương tích. Từ đó, viện xác định động cơ vụ án xuất phát từ mối quan hệ rạn nứt và muốn chiếm đoạt tài sản, đẩy nạn nhân vào tình trạng không thể kháng cự nên bị cáo có hành vi phạm tội.

Viện cũng dẫn lại chuyện từ năm 2009 bị hại cũng tố cáo bị cáo có hành vi cưỡng đoạt tài sản (vụ án sau đó khép lại, không khởi tố) để cho rằng quan hệ tình cảm giữa bị cáo và nạn nhân không thật sự tốt đẹp như bị cáo khai. Việc “cướp” nhẫn chỉ hai người biết và nạn nhân giao nộp tang vật không đúng thủ tục nên được loại trừ. Trong vụ án này, bị cáo còn có tình tiết tăng nặng là gây án vì động cơ ghen hờn... Từ đó, công tố yêu cầu bác kháng cáo kêu oan của bị cáo.

“Thấu tình bị cáo mới đạt lý khi tuyên án”

Luật sư cho rằng đây chỉ là vụ việc ghen tuông, “yêu nhau lắm cắn nhau đau”. Động cơ bị cáo lấy điện thoại chỉ là xem tin nhắn, không giật từ trên tay nạn nhân, chỉ nhặt rồi đi lững thững đến chân cầu, dừng kiểm tra tin nhắn. Không có sự vụ lợi, không nhằm chiếm đoạt điện thoại (giá trị thấp) để tiêu thụ hoặc sử dụng mà chỉ là thỏa mãn cơn ghen.

“Đừng nhầm khi lấy hành vi lấy chiếc nhẫn kim cương khiến nạn nhân tê liệt ý chí ghép vào hành vi lấy hai điện thoại để cho rằng đó là cướp. Vì hành vi cướp nhẫn đã được loại bỏ. Bị cáo đang là công dân lương thiện, có công ăn việc làm ổn định, gặp nạn nhân, vượt qua ranh giới tuổi tác, định kiến gia đình, xã hội để yêu nhau. Nếu như Tony tâm sự khuyên nạn nhân “đừng trách gì nhau, đừng suy nghĩ nhiều” thì nạn nhân cũng thiết tha: “Con vẫn còn thương yêu Tony và đi cầu nguyện các nơi để Tony tự do”... Trong quá trình đối chất lấy lời khai, bị hại khóc như mưa, tình cảm cả hai bình thường, rất yêu thương...” - luật sư tranh luận.

Chốt vấn đề, luật sư viện dẫn có cuộc gọi nạn nhân gọi cho mình vào trước ngày tòa xử rất tâm tư. Từ đó, luật sư cho rằng HĐXX nên thấu tình của Tony mới đạt được lý khi tuyên án.

HĐXX sau khi hội ý nhận định qua diễn biến phiên tòa có dấu hiệu nạn nhân có hối hận, có thể có lời khai không đúng trước đó... nên cần hoãn xử như trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm