Tàu Hải cảnh của TQ áp sát và tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian TQ hạ đặt giàn khoan trái phép.
Mở đầu hội thảo, ông Mai Đức Lộc (Tổng Biên tập báo Đà Nẵng) nhấn mạnh Trung Quốc (TQ) đã ngang ngược tuyên bố đường chín đoạn, trong đó hầu hết phần biển nước ta và khu vực đều thuộc về TQ.
“Không chỉ tuyên bố cực kỳ vô lý, thể hiện tham vọng độc chiếm biển Đông mà họ còn dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép đảo Phú Lâm và đến năm 1974, lợi dụng lúc Việt Nam đang dồn sức cho cuộc kháng chiến thống nhất đất nước thì họ đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thân yêu của đất nước ta, của TP Đà Nẵng. Như một âm mưu xuyên suốt, từ năm 1975 đến nay, TQ tuyên bố thành lập trái phép TP Tam Sa ở Hoàng Sa và tiếp tục lấn chiếm, dùng vũ lực cưỡng chiếm một số đảo ở quần đảo Trường Sa. Hiện nay họ đang ra sức phá vỡ nguyên trạng, xây dựng trái phép ở biển Đông, đe dọa đến an ninh nước ta” - ông Lộc nói.
Theo ông Lộc, việc TQ kéo giàn khoan Hải Dương 981 xâm nhập trái phép vào vùng biển của Việt Nam trở thành điểm đen trên biển Đông. Ông Lộc cũng cho rằng trong giai đoạn đó báo chí đã viết với tất cả trách nhiệm, với tất cả tình yêu Tổ quốc của mình. Các cơ quan báo chí đã cử phóng viên của mình ra Hoàng Sa tác nghiệp đưa tin, đấu tranh cùng các lực lượng chức năng. Tất cả cơ quan báo chí, đặc biệt là báo Đảng đều cùng lên tiếng vì chủ quyền Tổ quốc.
Phát biểu tại hội thảo này, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, nhấn mạnh đất nước ta đang đối mặt với những thách thức về chủ quyền, nhất là sau khi TQ hạ đặt giàn khoan trái phép. Vì vậy việc các báo thực hiện chủ đề liên quan đến chủ quyền biển Đông là đang thể hiện trách nhiệm của người làm báo đối với di sản mà cha ông đã để lại.
“Đang có một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan trỗi dậy, củng cố hiện trạng cưỡng chiếm trái phép một phần lãnh thổ của Việt Nam trên biển Đông”. Ông Trí nói thế và cho rằng: “Điều nguy hại là không phải ai cũng nhìn nhận được bộ mặt thật của thứ chủ nghĩa dân tộc cường quyền độc hại đó”.
Theo phó bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, báo chí cần có trách nhiệm trong việc đấu tranh, tuyên truyền để cho thế hệ mai sau biết rằng: “Hoàng Sa luôn luôn là của Việt Nam. Hoàng Sa mãi mãi là một phần máu thịt của Việt Nam. Chừng nào còn có người Việt Nam nghĩ đến Hoàng Sa thì chừng đó Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam”.
Các phóng viên báo chí chuyển lên tàu cảnh sát biển ở Hoàng Sa để tác nghiệp trong thời gian TQ hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép.
Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Ngọc Hoàng (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương) đề nghị các báo Đảng phải chỉ đúng bản chất, đúng mưu đồ của các thế lực thù địch nhưng phải mềm dẻo trong cách thức, nội dung tuyên truyền. Báo Đảng còn phải nhanh nhạy, không chờ chỉ đạo cụ thể, lập kế hoạch ứng phó để chủ động tuyên truyền khi có sự việc xảy ra. Phải thường xuyên, liên tục khơi dậy lòng yêu nước, thông tin cho nhân dân biết rõ tình hình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam. Không có việc gì phải giấu nhân dân và phải sử dụng sức mạnh của thời đại để kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng, chia sẻ TP Đà Nẵng được giao nhiệm vụ quản lý Hoàng Sa trong bao năm qua nhưng Hoàng Sa vẫn còn nằm trong sự chiếm đóng trái phép của TQ. “Những ngày tháng 3 lịch sử này, khi mà đồng bào, nhân dân cả nước đang hân hoan vui mừng chào đón sự kiện quê hương mình được hoàn toàn giải phóng thì đến nay Đà Nẵng vẫn chưa thể nói được rằng: TP Đà Nẵng đã hoàn toàn được giải phóng (vì huyện đảo Hoàng Sa vẫn đang bị TQ cưỡng chiếm trái phép - PV)” - ông Trí nói. |