Khu tái định cư Hóc Xoài-Đồng Lớn (xã Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được xây dựng bề thế với hàng loạt các công trình như trường học, trạm xá, các dãy nhà để ở, hệ thống điện, nước… với kinh phí khoảng 11 tỉ đồng nhưng đến nay đã trở thành một khu bỏ hoang, cỏ mọc cả vào trong phòng.
Khu tái định cư được xây dựng vào khoảng năm 1997, diện tích khoảng 20 ha với kinh phí gần 11 tỉ đồng do Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất làm chủ đầu tư.
Dự án này trước đây được xây dựng với mục đích cho người dân các xã Bình Đông, Bình Thuận (huyện Bình Sơn) làm nơi tái định cư sau khi nhường đất cho các công trình của Khu kinh tế Dung Quất.
Khu tái định cư có đầy đủ các phòng để ở, trường học, trạm xá, hệ thống điện, nước... khá khang trang để phục vụ khoảng 300 người dân đến ở.
Tuy nhiên, ngay sau được xây dựng xong, người dân đã không vào ở vì lý do không có nguồn nước sinh hoạt và không có đất sản xuất. Hơn nữa, người dân các xã được tái định cư chủ yếu làm nghề biển nên chuyển lên trên Tịnh Hòa là không phù hợp.
Sau khoảng 10 năm bỏ hoang, công trình tái định cư đã xuống cấp nặng, hư hỏng trầm trọng do mưa bão dẫn đến tốc mái, hư cửa và mái tôn bị bong tróc.
Hầu hết các phòng trong khu tái định cư đều hư hỏng nặng, phần trần nhà chỉ còn lại là những thanh gỗ ngổn ngang có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.
Những tấm tôn được lợp bị gió lật tung ra khỏi các thanh sắt giữ.
Rêu bám đầy tường và phần che phía trên của căn phòng đều đã mục nát, hư hỏng trầm trọng theo thời gian bỏ hoang.
Các cánh cửa trong khu tái định cư đều đã bị lấy mất, trống huơ trống hoác.
Một phần mái ngói "mọc ngược" dễ rơi xuống khi có gió mạnh, rất nguy hiểm.
Nhiều phòng đã không còn mái ngói, cây cối mọc um tùm ngay giữa phòng.
Có nhiều phòng chỉ còn lại hai bờ thành đứng chơ vơ.
11 tỉ đồng sau gần 10 năm đã biến thành một khu hoang tàn.
Mái tôn của dãy phòng dài đã bị gió bão cuốn phăng xuống đất.
Một cửa sổ được "ngụy trang" bằng cây cối do thời gian không sử dụng quá lâu.
Người dân địa phương đã canh tác chui trong phần đất của khu tái định cư do bị bỏ hoang quá lâu, không có người quản lý.