HS trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến làm quen với nghề gốm trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa ở Công viên văn hóa Đầm Sen. Ảnh: Phạm Anh
Ngày 8-12-2014, Báo Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Học nghề ở trường phổ thông: Quá hình thức!”. Theo đó, Hướng dẫn thực hiện hoạt động giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông năm học 2014-2015 của Sở GD-ĐT TP.HCM rất bài bản: “Mục tiêu của giáo dục nghề phổ thông nhằm hình thành cho học sinh (HS) một số kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng công cụ và thực hành kỹ thuật để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của giáo dục nghề phổ thông”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, PV Pháp Luật TPHCM nhận thấy thực tế việc dạy nghề, học nghề trong trường phổ thông còn có khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra. Nhiều học sinh cho biết học xong nghề thì kiến thức cũng quên hết nên chẳng ứng dụng được gì vào cuộc sống.
Ngay sau khi bài viết đăng tải, nhiều bạn đọc gửi ý kiến về PLO cho rằng, việc học nghề ở phổ thông là chỉ học cho qua, học xong rồi thôi, không vận dụng được gì mà tốn thời gian tiền bạc và đặt vấn đề nên chăng bỏ việc học nghề trong trường phổ thông. Cũng có bạn đọc đồng ý với vấn đề bài viết đặt ra nhưng không yêu cầu bỏ môn học mà đề nghị nên đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm hướng nghiệp và cho học sinh các trường phổ thông sang học để tập trung về một mối quản lý cho dễ và học sinh có đầy đủ các trang thiết bị để thực hành. Việc các trường phổ thông với cơ sở vật chất như hiện nay, lo chuyện dạy chữ thôi cũng đã “đuối” chứ đừng nói chuyện dạy nghề!
Ở góc nhìn khác, bạn đọc Quỳnh Như lại đề nghị nên coi thái độ của học sinh học nghề. Theo bạn Quỳnh Như, ngoài việc phải nâng cấp các chương trình dạy, đổi mới tư duy giáo viên, cần quan tâm đến tâm lý học sinh. “Ví dụ hồi năm 94-95, khi đó tôi học lớp 8, khi phải chọn học nghề, tôi rủ cô bạn thân cùng học tin học, vì chị tôi học Pascal ở nhà thiếu nhi quận 1 về kể nghe hay lắm. Lớp tin học cả quận mà chỉ có 8 nam, 2 nữ. Tôi rất cảm ơn lớp nghề đó vì nhờ lớp đó mà tôi thích máy vi tính và biết dùng nhiều thứ từ máy vi tính. Mặt khác, tôi cũng rất tiếc đã không học chung lớp nấu ăn với các bạn gái lớp tôi (vì học sinh chỉ chọn 1 lớp nghề thôi). Các bạn đi học rất vui, bàn tính ra chợ mua vải về may tạp đề, rủ nhau mua rau, mua nồi, mua bông mua hoa (trang trí món ăn)... rất vui và thiết thực. Bọn con trai lớp tôi chắc chắn là vui nhất, vì học cùng một buổi chiều, bọn con trai học điện, bọn con gái nấu xong món nào là bọn nó được tham gia ăn, sau đó thì đứa thu dọn chén bát, đứa quét rác, rất là hay. Tôi nhìn cũng thấy tính cộng đồng trong việc học nghề được rèn luyện thêm nhiều.
Nhưng bạn bè lớp khác đi học thì tôi lại nghe ca thán. Hóa ra khác nhau ở chỗ bọn lớp tôi là lớp điểm, có những suy nghĩ về học tập và thực hành luôn nghiêm túc. Bọn tôi đi học vì thấy cần học, thấy thích. Nhờ nghiêm túc nên học hiệu quả, vì hiệu quả nên mừng rỡ và ham thích học tiếp... Vì vậy, cần xem lại tư duy và thái độ học tập của các em chứ không chỉ chương trình. Các em không thích học, không chịu khó thì không đạt kết quả gì, không đạt kết quả thì nhanh chán, chán thì không thích học, học cho có điểm đậu thôi... vô vòng lẩn quẩn!”.
Bạn đọc, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, sẽ có nhiều câu chuyện xung quanh việc học nghề và dạy nghề. Chúng tôi hoan nghênh tất cả những ý kiến đóng góp, nhận định của bạn đọc xung quanh vấn đề này. Bạn đọc có thể gửi ý kiến trong phần Ý kiến bạn đọc bên dưới bài viết này.