Đó là dự án dạy-học mang tên “hẻm” do thầy Nguyễn Văn Tư và cô Nguyễn Thị Thúy Hằng (đều là giáo viên dạy địa lý) triển khai cho các học trò của hai lớp 11A5 và 11A6 từ tháng 11 đến nay, với 90 học sinh (HS) tham gia.
Mỗi lớp chia làm bốn nhóm đi đến từng con hẻm để thực hiện ba chủ đề đặc trưng là mỹ quan đô thị, văn hóa ứng xử và ẩm thực. Từ đó các em sẽ tạo ra các sản phẩm cụ thể như phóng sự, phim tài liệu, trang web... theo chủ đề mà mình chọn.
Lần mò từng con hẻm nhỏ
Nói về ý tưởng dự án này, thầy Nguyễn Văn Tư cho hay ý tưởng ban đầu chỉ đơn giản là muốn HS biết đến những nét đẹp thân thuộc và ý nghĩa của hẻm Sài Gòn.
“Hẻm là một phần đời sống quen thuộc, phổ biến ở TP nhưng lâu nay nhắc đến hẻm nhiều người thường nghĩ đến những tiêu cực như tệ nạn, ma túy, mại dâm... là không hay. Vì thế, thầy trò mong muốn thực hiện dự án này để cho mọi người biết đến đời sống hẻm với nhiều nét đẹp trong văn hóa ứng xử, lối sống cộng đồng, mưu sinh... Để làm được điều đó, chính các em phải tìm tòi và đi thực tế mới hiểu và làm được” - thầy Tư nói.
Em Trần Dương Chấn Huy (lớp 11A5) cho biết nhóm em có 10 bạn làm về chủ đề mỹ quan đô thị. Vì nhiều hẻm nên nhóm phải chia nhỏ ra để đi, tìm hiểu trên mạng chọn những con hẻm phù hợp rồi phân chia công việc như quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn... Nhóm em đi tìm hiểu tại các con hẻm ở phường Cô Giang (quận 1), hẻm ở Xóm Chiếu (quận 4), hẻm nghệ thuật ở quận 3... “Vì thời gian học nhiều nên đôi khi tụi em phải tranh thủ cả trưa nắng để đi thực tế.
Nhờ vậy, tụi em hiểu được cuộc sống của người dân ở hẻm. Có hẻm thì người dân rất vui và hỗ trợ nhiệt tình vì lâu nay ít người quan tâm đến cuộc sống của họ trong hẻm. Cũng có hẻm trên mạng chụp thấy lớn nhưng đến nơi lại rất nhỏ và dài, lối vào chỉ vừa đủ cho xe đạp đi. Người dân quen sống yên tĩnh vì lối ra vào cũng nhỏ nên họ không vui khi gặp người lạ đến gây ồn ào” - Huy kể.
Còn em Nguyễn Trần Tuấn Kiệt (lớp 11A6) lại thích thú khi hiểu được thêm văn hóa sống của mỗi người dân tại những con hẻm.
Tuấn Kiệt kể: "Khi đến hẻm của người Hoa ở quận 8 rồi mới thấy văn hóa của họ rất khác người Việt. Họ sống rất kín kẽ, ít khi tiếp xúc với người lạ nên họ ngại trả lời phỏng vấn. Tụi em phải thuyết phục rất lâu. Và khi thuyết phục rồi thì họ rất nhiệt tình, mời vào nhà để biết cuộc sống của họ. Nhóm có ghé nhà bà cụ hơn 90 tuổi và ngạc nhiên là thiết kế ngôi nhà rất lạ, nhà rất dài như một con hẻm luôn, thay vì phòng khách đầu tiên như văn hóa người Việt thì nhà họ là bếp đầu tiên rồi đến phòng khách, rồi mới đến phòng ngủ...
Nhóm của Hiếu Nghĩa (lớp 11A6) lại đi các con hẻm ở quận 8 và 7 để làm clip tư liệu về văn hóa ứng xử và mỹ quan đô thị. Theo Nghĩa, nhóm muốn chọn những hẻm xa xa vì ở đó có nhiều dấu ấn mà ít người biết đến hơn ở trung tâm, vừa biết được nhiều hơn vừa kéo gần những hẻm đó đến với mọi người.
“Lúc đầu cứ tưởng đã tìm hiểu thông tin kỹ và đi sẽ đơn giản nhưng đi vào hẻm rồi thì cả đám bạn lạc tùm lum, phải đi lòng vòng vì không biết ở đâu luôn. Đến khi tìm được lại cãi vã nhau. Nhờ đó tụi em nhận ra rằng khi làm nhóm thực sự mới thấy có nhiều khó khăn. Mỗi người phải nhường nhau hơn và bớt cái tôi đi thì mới làm tốt được” - Nghĩa chia sẻ.
Một học sinh đang phỏng vấn người dân sống trong hẻm.
Để có tư liệu làm ra sản phẩm, các em tự đi thực tế, phỏng vấn và ghi hình rất chuyên nghiệp.
Muốn quảng bá du lịch hẻm
Không chỉ được khám phá, thêm kiến thức mà nhiều HS khi tham gia dự án này đã được mở mang tầm nhìn và trưởng thành hơn.
Em Phạm Minh Hà (11A5) cho hay tranh thủ đi thực tế vào buổi tối tại những con hẻm ở quận 3 và 4 để làm về chủ đề ẩm thực khiến em bất ngờ vì có nhiều hẻm rất phong phú các món ăn. Nhiều món vừa quen thuộc vừa rẻ như xôi chè, bột chiên, bò bía, bánh bèo... rồi còn nhiều món đặc sản vùng miền như bún hến, bún mắm, mì Quảng, phá lấu...
Theo Hà: "Qua làm dự án này, tụi em thấy TP.HCM dù phát triển rất hiện đại nhưng trong những con hẻm vẫn lưu giữ đậm giá trị xưa cũ khiến em rất thích".
Nơi đó lưu giữ nhiều nét văn hóa, con người cũng không vô cảm với nhau. Họ sống rất thân thiện, nơi đó giống như là một đại gia đình lớn chứ không chỉ có nhà mình. Em cũng mong nhiều người biết đến những cái hay ở những con hẻm hơn và mong hẻm sẽ được TP quan tâm, làm sao để nơi đó quy củ và được quảng bá nhiều hơn” - Hà nói.
Trịnh Đức Anh (lớp 11A6) cũng bất ngờ khi thấy nhiều con hẻm rất quy củ và đồ ăn phong phú, như ở hẻm 200 ở Xóm Chiếu, quận 4. Dù hẻm không lớn lắm nhưng mọi người buôn bán rất trật tự, thân thiện và hợp tác với nhau nên thực khách đến rất đông. Từ đó, nhóm Đức Anh đã bàn nhau làm hẳn một website về ẩm thực với nhiều hình ảnh, thông tin và cả bản đồ hướng dẫn để mong muốn phát triển dự án, quảng bá cho nhiều người biết đến ẩm thực hẻm ở TP.
Các em đang tổng hợp sản phẩm hoàn chỉnh bằng kỹ năng công nghệ thông tin của mình. Ảnh: PHẠM ANH
Em Chấn Huy cũng cho hay nhờ làm dự án này giúp em học hỏi được rất nhiều kiến thức từ thực tế, biết nhiều kỹ năng và làm được điều gì đó tốt cho mọi người.
Đánh giá về quá trình làm dự án của các em HS, cô Nguyễn Thị Thúy Hằng cũng tỏ ra bất ngờ khi thấy kỹ năng của các em được nâng lên rõ rệt. Các em biết tìm hiểu thông tin trên mạng, làm việc nhóm, giao tiếp với mọi người... Nhiều em thể hiện được tài năng về công nghệ thông tin khiến giáo viên cũng bất ngờ và phải học hỏi ngược lại các em.
Thầy Tư cũng cho rằng các em đã trưởng thành hơn. Có thể vì áp lực học tập các em làm chưa thực sự tốt nhưng dự án đã giúp các em có thêm hiểu biết sâu rất nhiều về cuộc sống, về con người.
“Có nhiều em đã nhận ra được vấn đề rằng có nhiều cái hay về ẩm thực hoặc nghệ thuật hẻm cần được quảng bá cho nhiều người biết. Hoặc các em thấy được những vấn đề còn tồn tại và đưa ra hướng giải quyết bằng các giải pháp cụ thể để gìn giữ những nét văn hóa đẹp ở hẻm. Điều đó cho thấy các em đã hiểu phần nào và nâng cao nhận thức hơn. Đây cũng sẽ là động lực để thầy trò chúng tôi sẽ phát triển dự án này ở giai đoạn 2 là quảng bá du lịch hẻm” - thầy Tư nói.
“Em mong dự án của tụi em sẽ truyền bá được thêm những đặc sắc văn hóa hẻm đến mọi người vì không phải ai cũng hiểu về hẻm. Như trong quá trình làm, tụi em có phỏng vấn cả người nước ngoài nhưng họ không biết hẻm là gì nên họ thường gọi là đường. Tụi em phải dùng hết vốn kiến thức tiếng Anh, rồi dùng công cụ dịch trên Google nhưng họ vẫn không hiểu. Và khi họ hiểu rồi khiến tụi em rất vui”. Em TRẦN DƯƠNG CHẤN HUY, học sinh lớp 11A5 |