Đó là ý tưởng dự án mang tên “Ánh sáng hạnh phúc” của giáo viên vật lý Phạm Thư Tùng, được thực hiện cùng giáo viên toán Mai Xuân Long và 45 học sinh (HS) của bảy lớp, từ lớp 10 đến lớp 12 Trường THPT Ernst Thalmann.
Dự án triển khai từ cuối tháng 9-2016 và vừa được báo cáo tổng kết sáng 11-1 tại trường.
Sản phẩm của các thầy trò là những chiếc bóng đèn được hình thành từ vỏ chai nhựa bỏ đi, linh kiện do thầy trò tự bỏ tiền mua hoặc chế tạo ra như tấm tôn, pin mặt trời, đèn LED, nước javel... nên thầy trò gọi vui là “bóng đèn ve chai”. Ban ngày, bóng sẽ tích điện vào ắc quy và sẽ chiếu sáng vào ban đêm.
Để có kết quả thành công, suốt hơn tháng qua, nhóm thầy Tùng, thầy Long và các bạn học sinh đã mày mò thử nghiệm không kể ngày đêm.
Những buổi trainning, tập huấn kỹ năng của thầy trò
Các bạn học sinh làm thử sản phẩm
Thứ bảy hằng tuần hoặc ngoài giờ học, phòng thí nghiệm Vật lý của trường lại vang lên những âm thanh cưa khoan, đục khoét, hàn xì... Ở đó, dù nam hay nữ, tất cả đều hối hả làm việc như những công nhân cơ khí thực thụ. Nào là nhóm thử mạch, nối cầu chì, khoan và cưa tôn, trèo thang thử bóng đèn, nhóm mày mò kiến thức từ máy tính...
Chăm chút, tỉ mỉ từng chút một cho từng chiếc bóng đèn. Em Phạm Ngọc Thảo Nguyên, lớp 10A3 (bìa phải) cho hay nhờ tham gia dự án này mà em đã được biết và làm rất nhiều việc mà từ trước đến nay em chưa từng làm. "Bây giờ tụi em đã rất thành thạo, như sử dụng máy cưa, trét silicon, hàn mạch điện, khoan, đo điện thế và cường độ dòng điện...", Nguyên vui vẻ nói.
Thầy trò cùng trao đổi, mày mò để hoàn thành từng chi tiết của sản phẩm
Khi có được sản phẩm hoàn chỉnh, thầy trò lại kéo nhau đi khảo sát thực tế hộ dân, tìm những nơi có thể lắp đặt thử nghiệm như nhà kho của trường.
Ngay trong buổi báo cáo sáng 11-1, thầy trò cũng đã biến hội trường của nhà trường thành xưởng chế tạo bóng đèn khiến rất nhiều phụ huynh, giáo viên tham dự bất ngờ vì sự thành thạo của các em trong từng chi tiết.
Và bắt đầu thi công chính thức
Theo dõi quá trình các em làm, nhìn các em leo trèo, khoan lắp một cách thành thạo, thi công tỉ mỉ từng chút một để lắp hoàn thiện những bóng đèn không ai nghĩ đó là những em HS trung học. Nhìn các em không khác gì những người thợ chuyên nghiệp.
Thầy trò đều rất chuyên nghiệp, hăng say
Dự án được thầy trò thực hiện với mong muốn đưa ánh sáng sạch và rẻ đến cho những hộ dân còn khó khăn. Đây cũng là cơ hội để thầy trò trải nghiệm thực tế, ứng dụng kiến thức của nhiều môn học như vật lý, toán, giáo dục công dân, tin học, sinh, hóa vào thực tiễn.
Ánh sáng đã về
Thành công lớn nhất là cuối tháng 12 vừa qua, thầy trò đã lắp đặt thành công và giúp gia đình nhà cô Thanh (một trong những hộ dân trong xóm trọ nghèo dưới chân cầu Tám Nó, quận 8, TP.HCM) có nguồn sáng sạch, tiết kiệm. Con hẻm vốn tối tăm nối qua xóm trọ này cũng được chiếu sáng bằng những chiếc bóng đèn sử dụng năng lượng mặt trời.
Sau khi lắp đặt thành công và hoàn tất dự án, thầy trò chụp ảnh kỷ niệm với những người dân tại xóm trọ nghèo dưới chân cầu Tám Nó.
Dự án được nhiều giáo viên và phụ huynh đánh giá là là thiết thực, nhân văn và mang tính giáo dục cao.
Cô Trần Thị Thơm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ xúc động với những gì thầy trò đã làm suốt gần ba tháng qua, miệt mài cả ngày lẫn đêm ở trường, kể cả ngày lễ tết.
“Bài học của các em không chỉ ở phấn trắng bảng đen, không dừng lại ở trong lớp học mà vươn xa đến những xóm nghèo, đưa kiến thức của mình đến thực tế một cách ý nghĩa nhất”, cô Thơm nói.
Chia sẻ sau khi kết thúc dự án, thầy Tùng hoan hỉ: “Tôi tự hào về những nỗ lực của học trò suốt thời gian qua. Tôi mong muốn dự án không ngừng ở đây mà sẽ được lan tỏa, quan tâm hỗ trợ để thầy trò tiếp tục đem ánh sáng từ những chiếc bóng đèn này đến với nhiều gia đình khó khăn hơn”.