Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và thực hiện chủ trương không tăng học phí của Chính phủ, hàng loạt trường ĐH đã lên kế hoạch dự kiến tăng học phí trở lại từ năm học tới 2023-2024.
Đã cao, tăng nhẹ càng thêm cao
Cụ thể, tại Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), học phí năm học trước là 29 triệu đồng (hệ đại trà) và 45 triệu đồng (chương trình tiên tiến). Năm học tới 2023-2024, học phí dự kiến sẽ tăng lên 33 triệu đồng ở hệ đại trà và 50 triệu đồng với chương trình tiên tiến.
Còn tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, dự kiến học phí 24,9-30,4 triệu đồng/năm học với hệ đại trà, 30,9-50,8 triệu đồng/năm học với chương trình chất lượng cao. Chương trình tiên tiến là 53 triệu đồng/năm học. Trong khi đó, ở năm học trước, học phí của trường dao động 21,5-47,3 triệu đồng/năm học, tùy hệ đào tạo.
Năm 2023-2024, Trường ĐH Bách khoa cũng dự kiến mức học phí trung bình 30 triệu đồng/năm học đối với sinh viên hệ đại trà (tăng 2,5 triệu đồng so với năm trước) và 80 triệu đồng/năm học với sinh viên chương trình chất lượng cao, tiên tiến (tăng 8 triệu đồng).
Còn tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, năm 2022 học phí dự kiến của trường dao động 830.000-940.000 đồng/tín chỉ trong bốn năm học (tương đương 30-34,5 triệu đồng). Với khóa tuyển sinh năm 2023 này, tân sinh viên sẽ phải đóng 940.000 đồng/tín chỉ ở năm thứ nhất, năm thứ hai là 1,1 triệu đồng/tín chỉ, năm thứ ba là 1,24 triệu đồng/tín chỉ và năm thứ tư là 1,4 triệu đồng/tín chỉ.
|
Thí sinh tìm hiểu thông tin xét tuyển vào các trường ĐH ở TP.HCM năm 2023. Ảnh: THÁI SƠN |
Đối với các học phần giảng dạy bằng tiếng Anh, mức học phí tín chỉ gấp 1,4 lần so với học phần tiếng Việt. Các học phần thực hành, đồ án, thực tế… mức học phí tín chỉ gấp 1,2 lần so với học phần lý thuyết.
Trong đề án tuyển sinh năm 2023 mà Trường ĐH Y Dược TP.HCM vừa công bố, trường cũng điều chỉnh tăng khoảng 10% học phí so với năm học trước. Tức học phí năm tới sẽ là 4,18-7,7 triệu đồng/tháng, thay vì 3,7-7 triệu đồng/tháng như năm học trước.
Trường ĐH Ngoại thương cũng dự kiến áp dụng tăng 5-10 triệu đồng học phí với tân sinh viên năm học 2023-2024. Cụ thể hệ đại trà là 25 triệu đồng/năm học, chương trình chất lượng cao, định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế là 45 triệu đồng/năm học.
Tại một số trường khác như ĐH Ngân hàng TP.HCM, khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Luật TP.HCM…, học phí cũng được các trường dự kiến điều chỉnh tăng trở lại sau một năm tạm hoãn theo Nghị quyết 165 của Chính phủ.
Sinh viên lo lắng, thí sinh “căng não” chọn trường
Mặc dù mức tăng học phí các trường đưa ra chỉ trong khoảng 10% theo quy định so với năm học trước nhưng cũng khiến sinh viên hoặc phụ huynh, thí sinh chuẩn bị vào ĐH không khỏi lo lắng, nhất là ở những trường tự chủ tài chính vốn đã có mức học phí cao.
Em Nguyễn Thị Ngọc H, sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết quê em ở Vĩnh Long. Mặc dù gia đình em thuộc hộ cận nghèo nhưng không thuộc diện để được miễn, giảm nên học phí em đang đóng khoảng 22 triệu đồng/năm học.
H kể ban đầu em nghĩ nên chọn theo ngành hợp sở thích, dù học phí hơi cao, lên TP.HCM đi làm thêm, ăn uống gói ghém sẽ lo được. Nhưng khi vào ký túc xá ở và đi làm thêm mới thấy không dễ. Hiện em đang làm phục vụ nhà hàng trong một tòa nhà thương mại ở TP Thủ Đức, được trả lương 22.000 đồng/tiếng và mỗi ngày thường em chỉ làm được 5 tiếng.
“Từ tết đến nay, em tăng thời gian làm thêm luôn cả tuần và toàn thời gian trong hè sắp tới. Em biết đi làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc học nhưng cũng phải chịu. Em sẽ làm thủ tục vay tiền học từ quỹ của ĐH Quốc gia TP.HCM, nếu không được thì năm học tới của em sẽ không biết thế nào” - H lo lắng.
Còn với nhiều thí sinh, thay vì chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực học tập, nhiều em loay hoay tìm trường có học phí phù hợp. Như em Nguyễn Nhi, học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh), cho biết em muốn theo ngành luật và đang theo xét tuyển tại một số trường ĐH ở TP.HCM.
“Ba em làm công nhân, mẹ bán tạp hóa, cả ba mẹ đều nói em chọn trường nào cũng được, miễn là đậu. Nhưng em thấy ba mẹ làm việc cực quá, em đã liệt kê và đăng ký xét tuyển ở 4-5 trường rồi. Nếu đậu em sẽ chọn trường học phí thấp nhất, còn không thì em sẽ học nghề rồi sau này học liên thông để ba mẹ đỡ vất vả” - Nhi chia sẻ.
Được biết cùng với lộ trình tăng học phí, các trường ĐH đều có những chính sách trích học phí để làm nguồn tặng học bổng cho sinh viên giỏi và hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, số sinh viên được tiếp cận vẫn rất hạn chế, chủ yếu các em vẫn phải tự xoay xở để đảm bảo việc học tập, sinh hoạt ở bậc ĐH.
Như các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM, mỗi năm sẽ trích 8%-11% học phí để hỗ trợ học bổng cho sinh viên. Ngoài ra, ĐH Quốc gia TP.HCM thành lập hẳn một quỹ phát triển để hằng năm cho sinh viên khó khăn trong hệ thống được vay ưu đãi với lãi suất 0% để đóng học phí nhưng con số không được nhiều.
Tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, mỗi năm trường trích khoảng 15% học phí của một khóa tuyển sinh để cấp hơn 800 suất học bổng cho tân sinh viên.
Bên cạnh đó, nhiều trường ĐH cũng chủ động kết nối với doanh nghiệp, cựu sinh viên… để mở rộng các nguồn kinh phí hỗ trợ bằng học bổng cho sinh viên giỏi, khó khăn hoặc mở thêm kênh vay vốn học tập với lãi suất thấp cho các em.
TP.HCM sẽ sớm triển khai tín dụng sinh viên
Trong đợt làm việc với ĐH Quốc gia TP.HCM và đối thoại với sinh viên tiêu biểu mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết sắp tới TP sẽ chủ trì cùng với Thành đoàn TP.HCM triển khai đề án tín dụng sinh viên và sẽ thực hiện nhanh chóng để có thể áp dụng ngay trong năm nay.
Theo ông Mãi, chương trình này thời gian qua đã được triển khai nhưng ở quy mô nhỏ, số sinh viên được tiếp cận quá hạn chế. Do đó, TP mong muốn với đề án này, bất kỳ sinh viên nào đến TP.HCM học tập có nhu cầu tín dụng sẽ được tiếp cận và trả lại khi có việc làm, có thu nhập. Có như vậy thì sinh viên mới yên tâm học tập và phát triển bản thân.