Ngày 3-1, Trường THCS Hà Huy Tập, quận Bình Thạnh tổ chức tiết học ngoài nhà trường dành cho học sinh khối 6 tại lăng Tả quân Lê Văn Duyệt.
Đây là một trong những hình thức học tập trải nghiệm giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Học sinh hứng thú
Quần thể di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt gần với trường nên cô trò chỉ cần đi bộ là tới.
Tại khu di tích, với sự hướng dẫn của giáo viên tổ Lịch sử và Địa lý, học sinh đã được tham quan ba khu vực chính của lăng Tả quân Lê Văn Duyệt.
Đầu tiên, các em vào hành lễ tại khu miếu thờ gồm tiền điện, trung điện và chính điện. Sau đó, học sinh được ra tìm hiểu tại khu nhà bia và cuối cùng hành lễ trước khu lăng mộ.
Trong quá trình tham quan, sau khi thuyết trình, giáo viên đã đặt nhiều câu hỏi để kiểm tra kiến thức của học trò. Cụ thể như trước khu nhà bia xuất hiện 2 con vật nào hay tại khu lăng mộ có bao nhiêu ngôi mộ. Những ngôi mộ đó của ai? Và đặc biệt Đức Tả quân Lê Văn Duyệt có công lao gì cho đất nước?
Học sinh vừa đi, vừa nghe, vừa nhìn, vừa ghi chép và cũng quên trả lời những câu hỏi. Mỗi em đều có một phiếu học tập để hoàn thành sau tiết học.
“Nhà ngay Bình Thạnh nhưng đây là lần đầu tiên em tới lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Dù đã tìm hiểu trước ở nhà nhưng khi tới đây em vẫn cảm thấy bất ngờ vì không gian rộng lớn và kiến trúc lăng rất đẹp, có nhiều cái rất hay để học” - em Nguyễn Trần Thanh An bộc bạch.
Theo Thanh An, khu miếu thờ rất trang nghiêm trong khi đó tới khu nhà bia có một tấm bia lớn ghi rõ công trạng của Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Đối diện với nhà bia là khu lăng mộ.
“Việc học Lịch sử qua sách vở và trong không gian lớp học gây nhàm chán. Tiết học hôm nay khiến em thấy thích thú vì được nhìn tận mắt, khám phá, tạo sự tò mò, từ đó kiến thức trở nên dễ ghi nhớ” - An nói thêm.
Giúp trò hiểu về lịch sử địa phương
Cô Trần Thuỵ Hồng Thắm, giáo viên lịch sử cho biết việc chọn địa điểm lăng Tả quân Lê Văn Duyệt vì thuận tiện cho quá trình di chuyển của học sinh do gần trường. Các em vừa thay đổi không gian tiết học lại có khả năng lĩnh hội phần kiến thức liên quan đến lịch sử đặc biệt giáo dục địa phương.
Cô Thắm cho biết, đối với tiết học ngoài nhà trường, mục tiêu đầu tiên học sinh phải tận dụng hết yếu tố trực quan sinh động để tìm hiểu và cảm nhận địa điểm mình tới. Tiếp đến bồi dưỡng tâm hồn đạo đức của học sinh. Bởi nhiều em có thể đi qua khu di tích này hàng ngày nhưng các em không có dịp để đến. Vì thế, tiết học được triển khai để khơi gợi lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Cô Thắm cho biết thêm, đối với người dân khu vực Bình Thạnh việc đổi tên đường từ Đinh Tiên Hoàng qua đường Lê Văn Duyệt sẽ cảm thấy chưa quen thuộc. Thế nhưng, sau khi tới tìm hiểu về những gì Đức Tả quân Lê Văn Duyệt đã cống hiến cho đất nước, các em sẽ thấy điều đó là xứng đáng và rất biết ơn.
Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau khi kết thúc học kỳ 1, trường tổ chức tiết học ngoài nhà trường dành cho học sinh khối 6, 7 và 8.
Trong đó, học sinh khối 6, 7 sẽ tham quan lăng ông Lê Văn Duyệt, còn học sinh khối 8 sẽ tham quan tại Đại học Mỹ Thuật.
"Đến tham quan lăng Tả quân Lê Văn Duyệt học sinh không chỉ biết thêm về lịch sử mà trong quá trình di chuyển từ trường qua, các em sẽ học được rất nhiều kỹ năng. Quan trọng là tiết học được tổ chức miễn phí để tất cả học sinh đều được tham gia" - bà Trâm nói.