Học sinh phải làm gì khi bị bạo lực trên mạng xã hội?

(PLO)- “Khi bị bạo lực trên mạng xã hội đa phần chúng em có cảm giác lo lắng, sợ hãi. Vậy làm thế nào để bản thân vượt qua cảm xúc tiêu cực đó” – Một học sinh đặt câu hỏi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vấn đề trên chỉ là một trong nhiều câu hỏi được học sinh Trường THPT Phước Long, TP Thủ Đức gửi đến chuyên gia của chương trình Chắp cánh ước mơ do Báo Giáo dục thời đại tổ chức sáng ngày 8-1 với chủ đề "kỹ năng phòng tránh bạo lực trên mạng xã hội".

Học sinh phải làm gì khi bị bạo lực trên mạng xã hội?
Nguyễn Thái Duy Bình, học sinh Trường THPT Phước Long đặt câu hỏi tại chương trình

Gửi đến chuyên gia của chương trình, Nguyễn Thái Duy Bình, học sinh lớp 12A7 cho hay, hiện nay mạng xã hội trở nên phổ biến. Giới trẻ sử dụng mạng xã hội với nhiều mục đích khác nhau. Do đó, học sinh trở thành nạn nhân bị bạo lực trên mạng xã hội không phải cá biệt.

“Khi bị bạo lực trên mạng xã hội đa phần chúng em sẽ có cảm giác lo lắng, sợ hãi. Vậy làm thế nào để vượt qua cảm xúc tiêu cực đó” – Duy Bình băn khoăn?

ThS Tiêu Minh Sơn, chuyên gia tâm lý hướng nghiệp chia sẻ, khi bị bạo lực "ngôn từ" trên mạng xã hội, cảm xúc ban đầu dễ bị hoảng loạn, lo sợ. Tránh tình trạng trên, các bạn phải giữ được thái độ bình tĩnh, không đáp trả, hãy chia sẻ với bạn bè để nhận được sự hỗ trợ. Ngoài ra, các bạn phải tìm hiểu nguyên nhân của hành vi bạo lực để tìm cách giải quyết.

Học sinh phải làm gì khi bị bạo lực trên mạng xã hội?
ThS Nguyễn Thị Huỳnh An, giảng viên bộ môn tâm lý Khoa khoa học giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ tại sự kiện

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thị Huỳnh An, giảng viên bộ môn tâm lý Khoa khoa học giáo dục, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho hay điều quan trọng khi bị bạo lực mạng phải giữ được sự bình tĩnh.

“Khi bản thân bị bạo lực thường có tâm lý vừa sợ vừa tức giận. Trong cơn nóng giận, các em dễ sử dụng những ngôn ngữ không đẹp để đáp trả. Điều này vô tình bản thân khiến cho bạo lực leo thang. Do đó, các em tuyệt đối không được đối đáp bất cứ điều gì” – cô An nói.

Theo cô An, sau khi giữ tâm lý ổn định, các bạn hãy chia sẻ với bạn bè, gia đình, thầy cô để tìm sự hỗ trợ và có hướng giải quyết. Trong trường hợp bị đe dọa, có thể tìm đến cơ quan chức năng.

Học sinh phải làm gì khi bị bạo lực trên mạng xã hội?
Học sinh Trường THPT Phước Long hào hứng khi tham dự chương trình

Cô An cho biết thêm, bạo lực mạng có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như chất lượng cuộc sống, học tập của chúng ta. Do đó, để phòng tránh, các em cần cân nhắc kỹ khi đăng, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Các em hãy là người sử dụng mạng xã hội thông minh. Hãy ứng dụng mạng xã hội để phục vụ cho nhu cầu học tập và phát triển bản thân, tránh xa những hội nhóm vô bổ, không cần thiết.

Cô Vũ Thị Hồng Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Phước Long cho biết tư vấn tâm lý học đường là một hoạt động luôn được nhà trường quan tâm trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, hiện trường chưa có giáo viên có chuyên môn về tâm lý. Đây là vấn đề nhiều trường gặp phải.

Hoạt động tư vấn tâm lý hiện nay do giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và ban lãnh đạo nhà trường.

“Điều này khiến bản thân tôi khá trăn trở" - cô Châu nói.

Theo cô Châu, với chuyên đề sáng nay, với những gì đang diễn ra trên mạng xã hội, cô hy vọng rằng bên cạnh sự hỗ trợ của gia đình, thầy cô, học sinh sẽ tự hình thành những kỹ năng để phòng tránh.

Chương trình chắp cánh ước mơ được thực hiện từ 1-1-2024 đến 15-5-2024. Chuyên gia sẽ đến 40 trường THPT trên địa bàn để thực hiện 6 chuyên đề. Các chuyên đề bao gồm nâng cao kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh; tìm hiểu và phát triển đam mê của bản thân; đánh thức giấc mơ của bạn; ứng xử thông minh với mạng xã hội; thích ứng và phòng tránh bạo lực tâm lý trên mạng và kỹ năng thích ứng và học tập hiệu quả ở môi trường đại học.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm