Còn gì lý tưởng hơn khi các sáng kiến của bạn được khuyến khích hết mức cho dù chúng có thất bại. Và bạn được tạo mọi điều kiện tối ưu từ vật chất đến con người để tiếp nhận tri thức, thực hành và lập nghiệp.
Hai thanh niên người Pháp đều rất hài lòng chia sẻ trải nghiệm đời sinh viên của họ tại Mỹ ở hai ngôi trường và hai chuyên ngành học tập khác nhau.
Giáo sư kèm cặp từng sinh viên
Jessica Schinazi, cô gái Pháp hiện nay chỉ mới 23 tuổi nhưng đã có tám năm sống trên đất Mỹ. Quãng đời sinh viên của cô trải qua tại New York. Cô đã quyết định vào học tại ĐH Columbia, một trong những trường danh tiếng nhất thế giới mặc dù học phí khá cao. Đợt thi tuyển vào trường rất khó và cô đã được nhận vào trường. Sau đó, Jessica đã phải học tập cật lực để có được một trình độ tiếng Anh đạt chuẩn. Cô cho biết: “Thật là hạnh phúc khi có được một khu học xá bề thế như vậy ngay giữa trung tâm quận Manhattan! Tôi đã được học với những giáo sư tuyệt vời và điều làm tôi thích nhất đó là chương trình giảng dạy rất đa dạng, phong phú. Tại đây, không ai xem bạn là một người quái dị khi bạn chọn học song song những chuyên ngành tréo ngoe nhau, ví dụ như học kinh tế và học lịch sử cổ đại cùng một lúc. Ngược lại, việc chọn học nhiều chuyên ngành khác nhau rất được mọi người khuyến khích và các nhà tuyển dụng luôn thích nhân viên có vốn kiến thức đa dạng, càng nhiều càng tốt. Do đó, tôi đã theo học hai chuyên ngành là tư vấn, tài chính và cũng đăng ký học tiếng Tây Ban Nha. Tôi đã có sáu tháng tại Barcelona trong khuôn khổ trao đổi sinh viên và thật là tuyệt vời với học kỳ thực tập ngôn ngữ này tại châu Âu”.
Tại ĐH Columbia, Jessica Schinazi thật sự cảm nhận được mối quan hệ thầy trò tại Mỹ khác hẳn tại Pháp. Năm đầu tiên, các sinh viên có một vài môn học chung trên giảng đường lớn nhưng rất nhanh sau đó họ được chia thành những lớp học nhỏ không quá 20 sinh viên. Tất cả đều rất năng động, rất có động cơ học tập và giáo sư theo dõi, hướng dẫn, kèm cặp từng sinh viên một. Jessica kể: “Chúng tôi có những phương tiện đồ sộ để thực hiện các dự án của mình, ngay khi sinh viên vừa đề đạt các ý tưởng về tổ chức sự kiện hay khách mời, các giáo sư liền theo sát sinh viên và cung cấp cho chúng tôi tất cả phương tiện hay giới thiệu cho sinh viên các nguồn tài liệu cần thiết để triển khai dự án”.
Tại đại học Mỹ, những lớp học nhỏ không quá 20 sinh viên. Tất cả đều rất năng động và giáo sư theo dõi, kèm cặp từng sinh viên một.
Trong thời gian học tại ĐH Columbia, Jessica đã thành lập ra một nhóm tư duy chiến lược (think tank) có tên là French-US Alliance nhằm tổ chức những buổi gặp mặt với những người nói tiếng Pháp đang sinh sống tại Mỹ và đang làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, French-US Alliance đã được đón tiếp nhà văn Marc Levy và cầu thủ Youri Djorkaeff. Vậy, làm thế nào để có thể mời được những nhân vật nổi tiếng như thế? Jessica tiết lộ: “Bạn phải biết “chèo kéo” họ, làm sao cho cuối cùng họ cũng thấy được lòng nhiệt tình và tấm chân tình của bạn mà chấp nhận cuộc hẹn”.
Đại học hoạt động như doanh nghiệp
Geoffroy, một thanh niên Pháp, kể về quãng đường thành đạt của một tín đồ tin học đã bước chân đến Mỹ lúc tám tuổi khi chưa có một chữ tiếng Anh nào lận lưng. Về quãng đời sinh viên, Geoffroy kể anh đã nộp đơn như một sinh viên Mỹ bình thường tại nhiều trường đại học khác nhau. “Phải có một hồ sơ với các bảng điểm trung học, một kỳ thi đầu vào và cả một bài luận với các chủ đề mà nhiều khi, hỡi ôi... Tôi đã học các chuyên ngành thương mại, quản lý và tin học trong vòng bốn năm tại “UPenn” (ĐH Pennsylvania). Thật là không thể tưởng tượng được, tôi chẳng thể nào có được một mặt bằng học vấn phong phú như thế nếu học tại Pháp” - Geoffroy hài lòng nói.
Về lĩnh vực tin học và công nghệ mới, Geoffroy cho biết: “Tại Mỹ, bạn có đầy đủ phương tiện phong phú để học hỏi. Cách suy nghĩ và tư duy làm việc ở Mỹ theo kiểu “Thất bại là mẹ thành công”. Tại ĐH Pennsylvania, sinh viên chúng tôi luôn được động viên khuyến khích hết mình để đưa ra sáng kiến mới. Và thậm chí khi việc triển khai sáng kiến mới của chúng tôi có mất quá nhiều thời gian, đôi khi cuối cùng dự án đó không thành công đi chăng nữa thì tất cả công sức của chúng tôi không bao giờ được xem là đồ bỏ đi. Các thầy giáo và ngay cả các ông chủ tuyển dụng tương lai luôn làm việc theo nguyên tắc này: Nếu anh đã bắt tay vào thực hiện một việc gì đó và rồi việc đó không thành công thì anh sẽ rút ra được nhiều bài học về lần thất bại đó để lần sau anh không thất bại nữa. Có nghĩa là thất bại sẽ giúp anh trở thành người hoàn thiện hơn”.
Các đại học tư thục tại Mỹ hoạt động như một doanh nghiệp thực thụ. Geoffroy không chắc điều này có phải là lý tưởng không nhưng anh thấy rằng tại Mỹ, trong lĩnh vực tin học thì đại học và doanh nghiệp là hai thế giới gần gũi, luôn kề cận nhau. Do đó, sinh viên luôn được chuẩn bị tốt nhất để bước vào thị trường lao động ngay sau khi ra trường.
TƯỜNG NGUYỄN (Theo L’Express)