Vụ việc xảy ra tại Trường THCS Thừa Đức (Cẩm Mỹ, Đồng Nai), ba nữ sinh lớp 9 đánh hội đồng một bạn học vì mâu thuẫn tình cảm. Toàn bộ quá trình “dằn mặt” được quay clip, đưa lên mạng.
Nhà trường họp kỷ luật, quyết định đánh giá hạnh kiểm ba nữ sinh này loại yếu. Từ đó, các em bị lưu ban và không được xét tốt nghiệp năm nay (bài “Nhóm nữ sinh đánh bạn vì ghen không được tốt nghiệp” trên báo Pháp Luật TP.HCM ngày 22-5).
Sự việc khiến dư luận lập tức dậy sóng, bạn đọc Công cho rằng “đuổi học vĩnh viễn còn không ăn nhằm chứ đừng nói lưu ban. Yêu đương như vậy mà học hành gì”. Độc giả Hoàng Thị Hà đặt câu hỏi: “Các em làm vậy để làm gì, có được yêu mến hơn không, oai hơn không, đỡ bực tức hơn không hay chỉ rước lấy nỗi xấu hổ cho bản thân và gia đình, bạn bè xa lánh, tạo kỷ niệm xấu trong thời đi học của mình?”.
Bên cạnh đó là sự lo ngại trước tình trạng giới trẻ đang rời xa những tình cảm đơn thuần, tự nhiên của con người như tình bè bạn, nghĩa xóm giềng… để đề cao bản thân, bất chấp lý lẽ, phá vỡ mọi nền tảng rồi ngộ nhận như vậy là hay. “Thật đau xót cho thế hệ học trò vô cảm ngày nay. Hầu như những vụ đánh nhau dã man từ học trò đều có học sinh đứng xung quanh nhưng không can ngăn mà còn cổ vũ rồi quay phim, chụp ảnh, tung lên mạng câu like” - bạn Duy Kha đau xót nói. Liên quan đến vụ việc trên có bảy em học sinh chứng kiến nhưng không phản ứng, không báo với thầy cô. Sự bàng quan của người xung quanh trong các vụ việc tương tự cũng khiến người ta phải nhức nhối câu hỏi “tại sao?”.
Đa số bạn đọc cho rằng mức kỷ luật là thích đáng. Trong khi đó, bạn Vũ Xuân Hòa chỉ ra một khía cạnh khác: “Khi có một hình phạt nào đó, hy vọng các em thấy được hậu quả của việc mình đã làm để tự chấn chỉnh. Đường đời còn dài, nếu để cho các em coi thường đạo đức, kỷ cương thì sẽ thành tội phạm trong tương lai”.
Cũng có ý kiến trái chiều về hình thức kỷ luật này. Bạn Nguyễn Khắc Liên bình luận: “Không cho tốt nghiệp không khác gì chặt cây trên ngọn. Kỷ luật chưa hẳn đã có tác dụng tích cực”. Nhiều người cho rằng nếu đuổi học, ngăn đường học tiếp của học sinh hư thì chỉ càng đẩy các em ra khỏi vòng dạy dỗ, định hướng của nhà trường, gia đình, tăng nguy cơ trở thành tệ nạn thực sự. Hơn nữa, “có lẽ do ít nhìn thấy yêu thương nên không biết yêu thương. Các em thiếu nhiều cái, tình cảm, hiểu biết, lòng nhân ái, sự khôn ngoan… phần lớn là vì tự các em không lĩnh hội được cuộc sống này” - bạn Tú Quyên nhận xét.
Một bạn đọc mong muốn: “Chuyện không được xét tốt nghiệp chỉ là hệ quả kéo theo của việc hạnh kiểm không đạt yêu cầu, đó là quy định của giáo dục. Tri thức phải đi kèm với đạo đức, mà đạo đức trước hết xuất phát từ thiện tâm chứ không phải từ giáo dục hay răn đe, ép buộc. Ba nữ sinh được yêu cầu tự rèn luyện để có chuyển biến trong thời gian tới, chỉ mong là các em sẽ làm được”.