Học viện trọng tài có cải tổ được công tác trọng tài?

Thực tế thì vấn đề của trọng tài bóng đá Việt Nam hiện nay có liên quan gì đến vấn đề mở học viện? Rồi một khi có học viện nhưng hằng năm có quá ít giải đấu rồi trọng tài ít có môi trường để làm việc, quá ít trận để cọ xát thì sẽ không giải quyết được vấn đề gốc rễ.

Vấn đề không phải là phải có học viện mới có trọng tài giỏi mà cái chính là sát hạch thể lực hằng năm vào đầu mùa giải. Việc cọ xát, tập huấn nghiêm và những người chấm điểm, theo dõi sát hạch trọng tài phải nghiêm túc, không qua loa thì mọi chuyện mới khác đi được.

Việc sai số của trọng tài có thể diễn ra và có thể chấp nhận nhưng như trường hợp của tổ trọng tài Trần Văn Lập thì chẳng liên quan gì đến lập học viện hay không.

Trọng tài Việt Nam có những nỗi khổ riêng bởi “dây” và “cạ”. Ảnh: XUÂN HUY

Thái Lan nhiều năm trước vấn nạn trọng tài cũng nổi cộm, thậm chí trọng tài bị đánh đổ máu trên sân; trọng tài dàn xếp tỉ số; trọng tài liên quan tiếng còi méo; trọng tài bị bắn liên quan xã hội đen; trọng tài bị các đội ca thán… thế là Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Somyot có được những tư vấn đúng hướng và giải quyết được vấn nạn trên. Đó là những kỳ sát hạch đầu mùa, giữa mùa ông chỉ đạo phải làm nghiêm túc, phải tiến hành các test nghiêm túc về sức bền, thể lực của trọng tài. Thậm chí là vấn đề đạo đức của trọng tài cũng được đặt lên bàn cân gắt gao… Từ đó những trọng tài đảm bảo thể lực, sức khỏe thì tất nhiên theo sát tình huống trên sân rất tốt, không đứng quá xa các tình huống bóng dẫn đến đưa ra những quyết định không chuẩn xác. Cùng với đó, giai đoạn 2 mùa Thai-League 2018 này các sân bóng trang bị hệ thống VAR… Tất cả nỗ lực đó khắc phục được những yếu kém (nếu có) của trọng tài.

Riêng với Việt Nam hiện nay, có những điều không theo sát FIFA, chẳng hạn như các trọng tài bước qua tuổi 45 thì bị cắt và ai có thân thích thì được chuyển lên làm giám sát. FIFA đã bỏ hạn chế tuổi 45 của trọng tài rồi nhưng Việt Nam thì không, thậm chí có trọng tài đang bắt ngon lành lại tìm cách nghỉ để làm quan, để đi giám sát an toàn hơn và “có ăn” hơn.

Việc trọng tài Việt Nam hiện nay chưa hẳn là thiếu, cái chính là xây dựng “dây, cạ”… đó cũng là điều hạn chế việc phát triển trọng tài. Trò chuyện với chúng tôi, một trọng tài FIFA đã treo còi nói: “Sống tốt, làm việc tốt, chuyên môn tốt… chưa được đâu, còn phải đúng “dây” đúng “cạ”, phải thế này thế nọ nữa”.

Cũng cần biết trọng tài có chuyên môn tốt thì thường có lòng tự trọng cao, họ khó làm những chuyện “hậu trường” để được thường xuyên phân công. Đó là lý do vì sao ở Việt Nam, có trọng tài được FIFA đưa vào diện tài năng nhưng ở V-League thì rất ít được phân công do “con yêu, con ghét”.

Việc nâng chất trọng tài Việt Nam bằng việc mở học viện đào tạo trọng tài không phải là cội nguồn giải quyết được vấn đề yếu kém của trọng tài hiện nay.

Cái chính là Ban Trọng tài phải hoạt động khác đi, lãnh đạo Ban Trọng tài phải độc lập và không dây dưa với VFF thì lúc đó mọi chuyện tách bạch dễ dàng hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới