Đầu tiên là thông tin các ngân hàng sẽ thu phí ATM giao dịch nội mạng. Tiếp theo là thông tin Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị Chính phủ đánh thuế tiền gửi tiết kiệm!
Với người dân thì việc rút mấy đồng tiền còm của chính mình mà còn phải chịu phí rõ ràng là thiệt thòi. Ấy vậy mà ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, lại bảo là việc này… có lợi cho dân!
Theo ông Tiên, “người dân được cái lợi là sẽ tỉnh ngộ ra rằng việc này phải mất phí. Ở nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi, bây giờ mất phí thì phải học quy trình thao tác cho tốt để đỡ trục trặc khi giao dịch trên máy ATM. Cũng phải cân nhắc rút tiền lúc nào phù hợp” (Người Lao Động, 27-2).
Phát ngôn này của ông Tiên làm hàng triệu người đang lãnh lương qua tài khoản ATM “tỉnh ngộ” thật vì không ngờ họ là người “ăn bám”, là người hít khí trời của ngân hàng từ hồi nào chẳng hay. Trước khi có Chỉ thị 20/2007/CT-TTg của Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản, cứ đến tháng họ xuống phòng tài vụ nhận lương, đồng lương chẳng hề bị sứt mẻ tí nào mà cũng chẳng bị ai nói này nói nọ. Chẳng lẽ người dân ủng hộ một chính sách tốt đẹp như vậy của Chính phủ mà lại bị ông Tiên quy kết đến tội nghiệp vậy sao? Đây không phải là gió biển mà chính là mồ hôi nước mắt của người lao động đấy chứ. Với các cụ hưu trí thì những đồng lương hưu mà các cụ đi rút hằng tháng là công lao tích lũy cả một đời, có khi bằng cả một phần máu xương của các cụ đấy, dễ gì được hít gió biển một cách lãng mạn như ông vụ trưởng nghĩ.
Nhìn rộng ra, cứ như ý của ông Tiên thì có lẽ nước Mỹ mới là nơi mà người dân “hưởng gió biển” nhiều nhất. Họ có thuộc nền văn minh lúa nước đâu, vậy mà giao dịch ATM nội mạng họ chẳng phải trả đồng nào. Cũng may mà người Mỹ không đọc được tiếng Việt chứ họ mà biết họ đang “ăn không” của ngân hàng chắc họ buồn lòng lắm!
Ông vụ trưởng còn bảo rằng thu phí để người dân phải cân nhắc khi rút tiền. Điều này hình như ông nói chưa đúng đối tượng. Thường thì những người thừa tiền lắm của mới rút tiền thoải mái, không suy nghĩ, chứ dân nghèo có đâu dám thế. Phàm người càng nghèo thì mỗi lần rút tiền hay tiêu tiền họ càng phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải suy trước tính sau. Chắc không cần phải đợi đến lúc ngân hàng thu phí thì họ mới cân nhắc như ông Tiên nói.
Đó là những cái “lợi” về phía người dân. Còn một cái “lợi” nữa, cũng theo ông Tiên, “lợi là hình ảnh cả hệ thống ngân hàng tương đồng với các nước thế giới” (Người Lao Động). Thật ra, trong chuyện thu phí này, túi tiền của người dân là hệ trọng nhất, thứ đến mới là chuyện doanh thu của ngân hàng. Chứ trong lúc khó khăn mà lại bàn tới chuyện đánh bóng hình ảnh của hệ thống ngân hàng với các nước thì hết sức lố bịch. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong ngân hàng nước ngoài, TS Nguyễn Trí Hiếu từng nói với Pháp Luật TP.HCM rằng giao dịch ATM nội mạng tại các nước phát triển, nhất là Mỹ không có bất cứ loại phí nào. Như vậy, nếu muốn tương đồng với các nước thế giới thì đừng thu phí mới đúng chứ!
Nói vòng nói vo hổng qua nói thật: Hội chứng chửi dân từ nghị Phước đến Thống đốc Bình tưởng đã lắng sau khi dư luận phê phán dè đâu đầu năm con rắn này lại ngóc đầu dậy. Cho hay, cái não trạng “quan lại cha mẹ” dân đã ăn sâu vào không ít người trong bộ máy công quyền, đến mức, một ông vụ trưởng, xét về cấp bậc, không phải quan to nhất phẩm, mà cũng mở miệng coi dân không ra gì!
HOÀNG MẠNH HÀ