Tuần qua, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã tập trung tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) để thảo luận về những vấn đề cấp bách toàn cầu như cuộc xung đột Nga - Ukraine, tình trạng nghèo đói, biến đổi khí hậu… Một vấn đề cũ nhưng nan giải lần nữa được các nhà lãnh đạo nhắc đến là cải tổ cơ quan điều hành quyền lực nhất của LHQ - Hội đồng Bảo an (HĐBA).
Những lời thúc giục cải cách Hội đồng Bảo an
Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ tuần trước, nhiều nhà lãnh đạo cho rằng HĐBA đã bất lực trong nhiệm vụ bảo vệ hòa bình và an ninh toàn cầu do các thành viên thường trực không thể đồng lòng hành động trước những vấn đề nóng của thế giới, theo tờ The New York Times.
Sự chia rẽ sâu sắc giữa năm thành viên thường trực gồm Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh và Nga đã cản trở việc thống nhất một hành động tập thể nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột, cùng những mối đe dọa hạt nhân trên khắp thế giới, từ Syria, Mali, Nam Sudan đến Ukraine, Myanmar, Triều Tiên.
Trước Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng HĐBA đã “không còn là cơ quan bảo đảm cho an ninh thế giới mà trở thành chiến trường cho các chiến lược chính trị của năm quốc gia” thành viên thường trực. Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, HĐBA hiện tại rất “xơ cứng và khập khiễng” do thiếu đại diện toàn cầu, không phản ánh được cấu trúc quyền lực hiện tại và kêu gọi hạn chế quyền phủ quyết của HĐBA.
Tổng Thư ký LHQ António Guterres thậm chí cảnh báo rằng HĐBA đang đứng giữa hai lựa chọn là cải cách hay tan vỡ. “Thế giới đã thay đổi, các tổ chức của chúng ta thì không… Chúng ta không thể giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nếu các thể chế không phản ánh thế giới như hiện tại. Thay vì giải quyết vấn đề, chúng có nguy cơ trở thành một phần của vấn đề” - ông Guterres nhấn mạnh.
Theo TS Haci Mehmet Boyraz, thuộc Quỹ Nghiên cứu chính trị, kinh tế và xã hội (SETA) có trụ sở tại Thổ Nhĩ Kỳ, năm thành viên thường trực HĐBA đã nhiều lần bày tỏ quan tâm đến việc thay đổi cơ cấu của cơ quan này nhưng vẫn chưa đạt được kết quả. Đơn cử như trong năm qua, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield đã liên hệ với khoảng 90 quốc gia bằng hình thức họp riêng hoặc họp nhóm để nghe các đề xuất thay đổi, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với The New York Times.
Cải cách hay bị thay thế?
Dù nhiều lãnh đạo chỉ trích cơ chế của HĐBA và kêu gọi thay đổi, việc cải tổ HĐBA vẫn rơi vào bế tắc. Theo các lãnh đạo, nhà ngoại giao và quan chức LHQ, mặc dù một số đề xuất và ý tưởng cải tổ HĐBA đã được đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cần thiết.
Trả lời The New York Times tuần trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nói rằng theo ông, một trong những thách thức về vấn đề này là “mọi người đều đồng ý là cần phải có những cải cách đáng kể nhưng không ai đồng ý về những cải cách đó là gì”. Ông nói: “Việc thay đổi thực sự cấu trúc hiện có sẽ đòi hỏi mức độ đồng thuận mà tôi nghĩ có lẽ vượt quá khả năng của chúng ta lúc này”.
Như vậy, theo lời ông Trudeau, việc cải tổ HĐBA thiếu cả điều kiện cần, tức là đồng thuận về nội dung đề xuất cải cách, lẫn điều kiện đủ, là việc được phần đa quốc gia đồng thuận. Về điều kiện số quốc gia đồng thuận, theo Điều 108 Hiến chương LHQ, để sửa đổi hiến chương bao gồm các quy định về HĐBA thì cần phải được sự chấp thuận của 2/3 số thành viên Đại hội đồng LHQ. Sau đó đề xuất phải được chính phủ của 2/3 số nước thành viên thông qua, trong đó có năm thành viên thường trực HĐBA.
Viết trên tờ Daily Sabah, TS Haci Mehmet Boyraz cho rằng việc cải cách HĐBA là việc khó chứ không phải bất khả thi. Theo ông, nếu không cải cách thì LHQ sẽ tiếp tục sút giảm uy tín và hoạt động kém hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới. “Nếu không đạt được sự đồng thuận cần thiết, một hoặc nhiều tổ chức quốc tế mới có thể được thành lập và thay thế cho LHQ trong tương lai, các quốc gia trên thế giới có thể bỏ qua LHQ và đến, gắn kết với nhau dưới mái nhà toàn cầu mới” - TS Boyraz nhận định.•
Những đề xuất cải cách Hội đồng Bảo an
Một trong những đề xuất cải tổ HĐBA là kêu gọi bổ sung thêm thành viên thường trực. Có các phương án là chọn ra một nước tiềm năng, chẳng hạn như Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ và Đức hoặc phân theo ghế dựa trên khu vực địa lý trên thế giới, chẳng hạn châu Phi đề nghị có hai ghế đại diện cho lục địa này.
Tuy vậy, đề xuất nào cũng có thể vấp phải sự phản đối gay gắt. Ông Richard Gowan, Giám đốc Nhóm khủng hoảng quốc tế của LHQ, người đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu về các nỗ lực cải cách HĐBA, cho rằng “với các quốc gia muốn có một ghế thường trực thì có một hoặc nhiều quốc gia quyết tâm ngăn chặn”. “Ý muốn ngăn Đức, Pakistan muốn chặn Ấn Độ, Trung Quốc muốn ngăn Nhật Bản” - ông Gowan nói.
Ông Gowan cũng lưu ý rằng vấn đề uy tín của HĐBA có thể chỉ được khôi phục một phần với những thay đổi về thành viên nhưng không có gì bảo đảm rằng hành động tập thể sẽ trở nên dễ dàng hơn. Theo ông, một HĐBA mới, mở rộng hơn cũng có thể bị tê liệt nếu sự chia rẽ và căng thẳng giữa các cường quốc tiếp tục xảy ra.
Một đề xuất nữa là loại bỏ quyền phủ quyết của HĐBA. Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ tuần trước, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nói rằng có những nỗ lực của HĐBA đã bị cản trở, các quyết định và hành động quan trọng bị gạt đi do việc sử dụng quyền phủ quyết. Ông nói rằng tương lai “đòi hỏi một LHQ với một HĐBA được cải cách - không có chỗ cho sự lỗi thời của quyền phủ quyết”.
Như đã thấy trong các cuộc khủng hoảng ở Libya, Syria và Ukraine, các nước thành viên HĐBA bác bỏ các dự thảo trái với lợi ích quốc gia của họ hoặc trực tiếp chống lại lợi ích quốc gia của họ. Tuy nhiên, việc tước bỏ quyền phủ quyết của thành viên HĐBA vẫn là điều phi thực tế, ít nhất là tính đến thời điểm hiện tại.