Sau 40 năm thống nhất đất nước (1975-2015), việc ghi chép, tập hợp bài viết của những nhân chứng sống để tái hiện lịch sử hào hùng của khu căn cứ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và một số căn cứ tỉnh thành khác góp phần giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Sách do Nhà Xuất bản Tổng hợp TPHCM ấn hành.
Hồi ký căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (1945 - 1975) tập 2nhằm ghi lại những ký ức thiêng liêng về cuộc sống, chiến đấu, học tập, rèn luyện, những tâm tư, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở các căn cứ nằm ngoài địa bàn TPHCM…
Cuốn Hồi ký tập 2 hoàn thành và ra mắt ngay trong dịp TP.HCM kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cuốn Hồi ký do những người từng trực tiếp tham gia các cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp viết ra. Đây được xem là thiên hồi ký tái hiện những căn cứ địa và hậu phương cách mạng vững mạnh trong kháng chiến bao gồm các lõm chính trị trong nội thành, các căn cứ ven đô, hậu phương trực tiếp trên những hướng chiến lược trọng yếu và cả căn cứ trên địa bàn các tỉnh. Cuốn sách được chia làm hai phần.
Phần I:Căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) bao gồm 3 căn cứ:Thiên Hộ (Mỹ Tho), năm 1949;Vàm Trà Cú (Tân An), năm 1949;Tân Long (Bình Dương), năm 1950.
Phần II: Căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định
trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954 - 1975) bao gồm 16 căn cứ:Xã Đông Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, năm 1959;Vùng Lộc Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, năm 1959;Vùng xã An Thành, Bến Cát, Bình Dương, năm 1959;Vùng Mỏ Vẹt, biên giới Campuchia (mật danh là “căn cứ Thái Bình Dương”);Vùng Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, năm 1965;Vùng Bến Lức, tỉnh Long An, năm 1968;Căn cứ Ba Thu, tỉnh Long An;Mỹ Tho (Tiền Giang), năm 1968...
Ban cố vấn biên soạn cuốn sách là đồng chí Phan Văn Khải (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Chính phủ), đồng chí Trần Hữu Phước (nguyên Phó trưởng ban thường trực, Ban Chỉ đạo Xây dựng Khu Di tích lịch sử Cách mạng miền Nam). Ban thường vụ Thành ủy chỉ đạo biên soạn với Trưởng ban là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Võ Văn Thưởng.