Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 23: TP.HCM tiếp tục cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

(PLO)- Nhìn nhận công tác đầu tư công chưa được thực hiện tốt, Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên nói sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về đầu tư công để làm rõ và xử lý trách nhiệm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-10, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hội nghị lần này tập trung thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội của TP.HCM chín tháng vừa qua và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm ba tháng còn lại của năm 2023.

P3_hoinghi-thanhuy-tp.hcm.jpg
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên kết luận tại hội nghị. Ảnh: THANH THÙY

Cố gắng đạt mức tăng trưởng 6%-7%

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng trong chín tháng qua, kinh tế TP.HCM đã có sự chuyển động rất tích cực.

Ông Mãi cho hay theo dự báo của các tổ chức quốc tế thì khả năng năm 2023, Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,5%, kịch bản cao là 6%. Nếu cả nước đạt mức 6% thì TP.HCM phải đạt 7,2%-7,3%. Như vậy, trong quý IV, mức tăng của TP.HCM phải gấp đôi quý III vừa qua. “Điều này là không thể. Chúng ta cố gắng đạt 6%-7%. Để làm được phải dựa vào hành động của toàn hệ thống trong những tháng còn lại” - ông Mãi nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu thực hiện đồng loạt các nhóm giải pháp nhằm kích thích tiêu dùng, chi tiêu công, tăng tỉ lệ giải ngân đầu tư công.

“Đừng xem việc hợp tác với các vùng là trách nhiệm xã hội mà phải nhìn thấy đó là thị trường, nguồn lực cho TP.HCM. Đó là cách để mở rộng không gian phát triển và huy động nguồn lực để phát triển cho TP” - ông Phan Văn Mãi nhìn nhận.

Cũng theo ông Mãi, một trong những khó khăn mà TP đang gặp phải là vấn đề xuất khẩu do thị trường bị thu hẹp. Tuy nhiên, các tín hiệu tích cực gần đây cho thấy một số doanh nghiệp (DN) đã bắt đầu có đơn hàng trở lại.

Đối với đầu tư tư nhân, lãnh đạo UBND TP cho biết dòng vốn đã chạy khá nhiều nhưng vẫn còn khó khăn nên tiếp tục phải gỡ. TP.HCM cũng lập tổ công tác hỗ trợ DN FDI, tiếp tục thu hút nhà đầu tư vào các ngành công nghệ cao, tận dụng cơ hội để đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài…

Về đầu tư công, người đứng đầu chính quyền TP nói có thể không đạt 95% như chỉ tiêu ban đầu đề ra nhưng phải nỗ lực để không ở mức dưới 80%. UBND TP đã phân nhóm theo mức độ giải ngân để có sự lãnh đạo tập trung.

Những tháng còn lại của năm, TP.HCM cũng sẽ tập trung quyết liệt cho các công trình đang triển khai. Đáng chú ý trong tháng 10, TP sẽ giải ngân, thực hiện dự án rạch Xuyên Tâm, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, đường vành đai 4, đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ...

Những hạn chế trong phối hợp giữa các bộ, ngành; giữa các sở, các địa phương với nhau đã khiến công việc bị chậm trễ, lòng vòng, tạo sự phiền toái cho người dân, doanh nghiệp.

Xử lý nghiêm sự đùn đẩy, né tránh

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận chín tháng năm 2023, TP.HCM tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực của toàn hệ thống, người dân và DN, TP đã đạt được nhiều thành tựu cơ bản.

Bí thư Nguyễn Văn Nên nhìn nhận có ba chỉ tiêu dự kiến khó và không thể thực hiện là tăng trưởng GRDP, giải ngân đầu tư công và năng suất lao động xã hội bình quân. Do đó, trong những tháng còn lại của năm, ông yêu cầu toàn hệ thống tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công để kích cầu tăng trưởng; tập trung đẩy mạnh công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để có mặt bằng triển khai, thi công các dự án.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho rằng công tác chuẩn bị chưa thực sự làm tốt và phải tìm cách giải quyết. “Thành ủy sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về đầu tư công để làm rõ và xử lý trách nhiệm” - ông nói và cho rằng chính quyền TP.HCM cần tiếp tục hỗ trợ DN, cùng DN tháo gỡ khó khăn, tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng, tiếp cận chính sách mới về miễn giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất…

Cùng với đó là tháo gỡ các thủ tục để thúc đẩy thị trường bất động sản, đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… Tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98/2023.

Một trong những vấn đề được Bí thư TP.HCM lưu ý là việc nâng cao ý thức công vụ, trách nhiệm của đội ngũ để phục vụ người dân, DN.

Ông Nên cho rằng những bất cập, rắc rối, phiền phức trong mối quan hệ phối hợp và trách nhiệm về thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính với nhu cầu thực tế của người dân, DN đang có những vướng mắc.

“Giữa thẩm quyền chung, trách nhiệm cụ thể, cá nhân đã tạo ra khoảng trống cho sự trì hoãn, né tránh, đùn đẩy một cách công khai, hết sức khéo léo, khó bắt lỗi” - ông Nên chỉ rõ và yêu cầu những hạn chế, yếu kém này phải được xử lý sớm.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng chỉ ra những hạn chế trong phối hợp giữa các bộ, ngành; giữa các sở, các địa phương với nhau. Đây là những vấn đề khiến công việc bị chậm trễ, lòng vòng, mất thời gian, mất cơ hội và tạo sự phiền toái cho người dân, DN. Từ đó, ông yêu cầu từng đơn vị, sở, ngành cần sự cải cách đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa. Người đứng đầu các đơn vị phải nâng cao trách nhiệm, làm đúng và làm tốt nhiệm vụ được giao.•

TP.HCM có thể chưa sắp xếp quận, huyện

Với công tác sắp xếp các quận, huyện, phường, xã, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM vừa ký tờ trình về định hướng gửi Ban Thường vụ Thành ủy để xin chủ trương, tiếp tục hoàn thiện phương án.

Nếu căn cứ vào diện tích, dân số thì hiện TP.HCM có sáu đơn vị hành chính cấp huyện và 142 đơn vị cấp xã cần sắp xếp. Tuy nhiên, ông Phan Văn Mãi cho hay nếu vận dụng các yếu tố đặc thù, TP.HCM có thể chưa phải sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện mà chỉ sắp xếp với 71 đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn này.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết đã làm việc với Bộ Nội vụ về cách tiếp cận theo hướng này. Sau khi Bộ Nội vụ có ý kiến sẽ trình Chính phủ xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm