Sáng 11-5, Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII (Hội nghị Trung ương 12) đã khai mạc tại Hà Nội. Theo chương trình, trong ba ngày rưỡi, Hội nghị Trung ương 12 sẽ bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến công tác nhân sự chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, dự kiến vào đầu năm sau; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (QH), HĐND các cấp được tổ chức sau đó...
Bàn hướng, chưa định con người cụ thể
Phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XIII là một nội dung được đưa ra thảo luận ở kỳ họp Trung ương này. Đây là cơ sở cho việc đi vào chuẩn bị nhân sự cụ thể để tham gia Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa tới, cũng như nhân sự lãnh đạo chủ chốt các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026, sẽ được bàn tại các hội nghị trung ương tiếp theo.
Cũng như các khóa trước, phương hướng nhân sự bao gồm các nội dung về quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu xây dựng BCH Trung ương khóa XIII; tiêu chuẩn ủy viên Trung ương; điều kiện, cơ cấu, số lượng, quy trình giới thiệu, cách thức lựa chọn và một số vấn đề cần lãnh đạo thực hiện trong quá trình chuẩn bị và triển khai công tác nhân sự BCH Trung ương.
Một cách khái quát, phương hướng nhân sự chính là phương pháp, cách làm nhân sự, chứ chưa đi vào nhân sự, con người cụ thể.
Để chuẩn bị cho nội dung này, Tiểu ban nhân sự do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng tiểu ban, đã chuẩn bị dự thảo phương hướng nhân sự để xin ý kiến Bộ Chính trị lần đầu, rồi sau đó tổ chức lấy ý kiến các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương và các ủy viên Trung ương. Tất cả ý kiến đã được Bộ Chính trị tiếp thu để đưa ra Hội nghị Trung ương 12 lần này quyết định.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: TTXVN
Nét mới: Bàn luôn việc bầu cử QH khóa tới
Theo thông lệ, sau mỗi kỳ đại hội đảng các cấp và đại hội toàn quốc, Đảng sẽ đưa nhân sự của mình để tham gia vào bộ máy nhà nước, được hình thành sau khi bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp. Để chỉ đạo công tác này, thông thường Bộ Chính trị các khóa sẽ ban hành chỉ thị.
Nhưng lần này, để gắn kết chặt chẽ hơn công tác nhân sự của Đảng với công tác nhân sự của Nhà nước, các định hướng quan trọng cho công tác bầu cử được đưa ra Hội nghị Trung ương 12 để cùng bàn một lúc với phương hướng nhân sự BCH Trung ương.
67 đại hội ở đảng bộ trực thuộc Trung ương sẽ bầu ra số đại biểu đi dự Đại hội XIII toàn quốc vào đầu năm 2021. |
Một đề án về phương hướng bầu cử QH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được Đảng đoàn QH chuẩn bị, Bộ Chính trị đã cho ý kiến và nay trình Trung ương để xem xét, quyết định.
Theo phát biểu khai mạc của Tổng bí thư, Chủ tịch nước trong đề án này có một số vấn đề cốt yếu cần được thảo luận. Đó là mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo công tác bầu cử; việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử; tiêu chuẩn đại biểu QH, HĐND các cấp nói chung và đại biểu chuyên trách nói riêng;
Cạnh đó là vấn đề số lượng, cơ cấu, độ tuổi của đại biểu QH, HĐND, nhất là số lượng, cơ cấu đại biểu chuyên trách, đại biểu nữ, đại biểu người dân tộc thiểu số, đại biểu đại diện cho các thành phần, giai tầng trong xã hội; đơn vị bầu cử và số dư người ứng cử ở các đơn vị bầu cử; quyền bầu cử, ứng cử; quy trình ứng cử, đề cử; việc tuyên truyền, vận động bầu cử và giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tổ chức bầu đại biểu HĐND ở những nơi mà ở cấp dưới không tổ chức HĐND phường; ngày bầu cử dự kiến...
Kiên quyết chống bè phái, lợi ích nhóm Về phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XIII, trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc xác định phương hướng nhân sự phải gắn với yêu cầu “tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự và ngày càng trong sạch”. Đồng thời, cũng theo người đứng đầu Đảng, Nhà nước, phương hướng nhân sự phải được xây dựng trên tinh thần “phát huy truyền thống, ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng XHCN”. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước cũng gợi ý rằng tiêu chuẩn ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư khóa tới cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc; Những cán bộ cấp cao này phải có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm. Về phương pháp, cách làm nhân sự - nội dung quan trọng của phương hướng nhân sự, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng cần nhấn mạnh tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Và phải kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền... |