“Khối doanh nghiệp (DN) tư nhân cần lấy nhân tố sáng tạo thúc đẩy năng lực cạnh tranh để không bị teo nhỏ dần, đây là vấn đề sống còn”. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra cảnh báo tại Hội thảo “DN Việt Nam - Hội nhập kinh tế thế giới giai đoạn mới” vào chiều 5-2 tại TP.HCM.
Năng suất lao động Việt Nam thua Singapore 18 lần
Bà Phạm Chi Lan cho biết khu vực DN tư nhân vốn bắt đầu giảm, quy mô nhỏ đi, có xu hướng “li ti hóa”. Năng suất lao động của Việt Nam kém các nước trong khu vực ASEAN nhiều lần, so với Singapore thua 18 lần. Nhiều năm qua, số lượng lao động có kỹ năng không thay đổi bao nhiêu, không hề có sự nâng cấp. Phần lớn lao động hiện nay của DN nước ta không có kỹ năng, năng suất không hiệu quả. Thậm chí có những DN nội địa nhìn ngoài rất to về quy mô nhưng thực sự rất yếu.
“Sự thật đáng buồn là 20 năm tham gia ASEAN, Việt Nam vẫn nằm chung với Campuchia, Lào, Myanmar - nhóm nước lạc hậu nhất ASEAN. Khi Việt Nam gia nhập WTO, thế giới đã hy vọng nhưng rồi phải thất vọng. Nếu bản thân DN không có chiến lược quản trị, thay đổi sáng tạo kinh doanh thì hội nhập là vấn đề sống còn. Tham gia hội nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN, các hiệp định FTA được ký kết thì thị trường sẽ tiêu thụ được bao nhiêu sản phẩm của DN Việt hay chỉ tiêu thụ toàn là của DN nước ngoài” - bà Lan lo ngại.
Các mặt hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là xuất sản phẩm thô giá trị thấp. Trong ảnh: Chế biến hạt điều xuất khẩu tại một công ty ở Bình Dương. Ảnh: QUANG HUY
Bà Lan chia sẻ câu chuyện về một tổ chức đánh giá năng lực cạnh tranh quốc tế có buổi hội thảo về cạnh tranh hội nhập. Thế nhưng trong 42 thành viên Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ có mỗi bà Lan tham dự. 41 thành viên còn lại là các vị lãnh đạo các ngành không đến tham dự. Bà Lan băn khoăn các lãnh đạo đầu ngành còn không quan tâm vậy thì làm sao nói đến chuyện đưa ra chính sách hỗ trợ DN phát triển.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu (GIBC), kiêm Chủ tịch CLB DN dẫn đầu (LBC), cho biết Việt Nam tự hào kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhưng 70% sản phẩm nằm trong nhóm hàng có độ phức tạp thấp, thô, chưa qua chế biến. Việt Nam chỉ hơn được Lào, Campuchia còn như Philippines, hàng gia công chỉ chiếm 13%, Indonesia 49%. Vì thế DN Việt cần thay đổi ngay cách thức sản xuất, đầu tư cho sản phẩm có chất xám cao.
“Khi thuế quan giữa 10 nước ASEAN về gần số 0, thị trường đâu phải 90 triệu dân mà là 600 triệu dân. Trong khi khối FDI thích ứng ngay thì năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam lại không tương xứng với hội nhập. Ngành mía đường là một ví dụ, khi “biên giới” được dỡ bỏ, Thái Lan sẽ nhảy vào chiếm lĩnh thị trường đường cho thực phẩm nước uống. DN Việt Nam có đủ lớn mạnh để theo cuộc đua này không?” - ông Trai lo ngại.
Phải tự thay đổi
Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam, chỉ ra điểm yếu của DN Việt Nam là do bản thân DN ít kinh nghiệm trong nền kinh tế thị trường. Tiếp nữa là Chính phủ Việt Nam thiếu kinh nghiệm trong việc điều hành. Sự hợp tác giữa Chính phủ với DN không được tốt.
“DN phải thay đổi để cạnh tranh, tôi chỉ dẫn chứng về trường hợp một DN nhỏ ở Peru thành lập mới vài năm. Ban đầu họ chỉ bán hàng trong nước. Nhưng khi nhận ra cơ hội lẫn thách thức từ hiệp định TPP, họ tìm một DN gia công nhiều mặt hàng với nhu cầu khác nhau, họ buộc phải đi đến nhiều nước khác nhau. Hiện nay DN này đã mở nhiều công ty tại các thị trường, trong đó có cả Việt Nam và hoạt động rất hiệu quả. Vì vậy DN Việt Nam cần chú ý đến yếu tố cạnh tranh khi nền kinh tế hội nhập toàn cầu” - ông Herb Cochran chia sẻ.
Theo ông Trai, không có một giải pháp cụ thể nào về nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN mà chính DN phải vận động thay đổi. Hiện nay các quán hủ tiếu hay thậm chí quán bán nước sâm, doanh thu hằng tháng cao ngang ngửa với DN. Nhân viên mặc đồng phục, sản phẩm có bao bì nhãn hiệu riêng, cách phục vụ nhanh, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Hay như tiệm bánh Như Lan, họ thành công là nhờ biết thay đổi, trước đây làm thủ công giờ quy trình sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình quản lý đều đạt chuẩn.
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc giải pháp phát triển tổ chức Công ty BCC, dẫn chứng sau thành công với Trung tâm hội nghị White Palace, chủ nhân trung tâm này (hai anh em Phú - Quý) mới đây đã xây thêm Trung tâm hội nghị GEM Center sang trọng, độc đáo, đẳng cấp quốc tế. Chính sự thay đổi đã giúp họ cạnh tranh và luôn dẫn đầu trong lĩnh vực kinh doanh này. Song thay đổi không phải là “tùy” và “tiện” mà phải định vị được DN mình ở đâu, quản trị được rủi ro và có tính kỷ luật.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, DN Việt nên biết học hỏi lẫn nhau về chiến lược cạnh tranh trong kinh doanh, có thể hợp tác để cùng nhau phát triển thế mạnh cho mỗi DN. Chính phủ đã và đang có những chính sách hỗ trợ DN hội nhập nhất là DN tư nhân, tuy nhiên trước tiên DN phải tự thân vận động để đón cơ hội hội nhập và cạnh tranh sòng phẳng.
Các nước ASEAN đón đầu AEC ra sao? Singapore là nước duy nhất đã sẵn sàng để hội nhập nền kinh tế chung ASEAN (AEC) tập trung vào ba phương diện rất cụ thể: trên đất liền, trên biển và kết nối không dây. Tại Thái Lan, DN đã được chính phủ cung cấp thông tin cụ thể các lĩnh vực xuất nhập khẩu những nước ASEAN, ưu nhược điểm của các đối tác. Thực hiện mỗi địa phương một sản phẩm đặc thù. Malaysia tổ chức nhiều hội chợ giới thiệu sản phẩm, tài trợ chi phí cho DN các nước sang Malaysia tham khảo, nắm bắt thị trường. Cả Indonesia và Philippines đều thành lập ủy ban quốc gia, nhóm công tác kỹ thuật về nâng cao năng lực cạnh tranh hoạt động rất hiệu quả. Họ thiết lập lộ trình cụ thể cho những khu vực có khả năng phát triển mạnh khi AEC có hiệu lực. Tích cực cải thiện hạ tầng giao thông, gia tăng các luật lệ chống độc quyền với một số lĩnh vực trọng yếu. Ông PHẠM PHÚ NGỌC TRAI, Chủ tịch Công ty |