Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ vừa ký công văn lấy ý kiến góp ý trang phục xét xử của hội thẩm nhân dân (HTND).
Công văn này gửi đến thủ trưởng các đơn vị trực thuộc TAND Tối cao, chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội và chánh án TAND tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Trang phục áo choàng và phù hiệu
Theo đó, đề xuất mẫu trang phục xét xử của HTND là áo choàng về cơ bản giống áo choàng các thẩm phán chỉ khác về họa tiết và màu sắc. Cụ thể, áo choàng đen vải phối nẹp, bác tay, cầu vai là màu xanh dương, viền lé màu trắng.
Mẫu áo choàng cho hội thẩm nhân dân trong dự thảo.
Dự thảo đề án trang cấp trang phục xét xử của TAND Tối cao năm 2021 cho rằng về trang phục của hội thẩm hiện nay chưa thể hiện được tính đặc trưng, khác biệt so với trang phục của nhân viên các cơ quan, tổ chức khác cũng như không thống nhất với trang phục xét xử của thẩm phán. Xuất phát từ bất cập về trang phục xét xử của hội thẩm TAND hiện nay, nhằm nâng cao hình ảnh HĐXX, người đại diện cho công lý cũng như tạo sự thống nhất giữa thẩm phán và HTND nên bổ sung áo choàng cho hội thẩm.
Ngoài trang phục còn có tấm biển phù hiệu HTND đeo ngực trái giống phù hiệu của thẩm phán. Trang phục của hội thẩm quân nhân giữ nguyên theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Tháng 5 vừa qua, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã quyết định thành lập Ban xây dựng đề án trang cấp trang phục xét xử cho HTND. Nhiệm vụ của ban này có trách nhiệm giúp chánh án nghiên cứu xây dựng đề án phù hợp với thực tiễn và các quy định của pháp luật, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cạnh đó là đảm bảo tính đồng bộ với các trang phục xét xử của thẩm phán TAND các cấp, đảm bảo tiêu chí về định mức, chủng loại, chất lượng trang phục khi tiến hành tố tụng tại phiên tòa, phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu từng vùng miền, với mức kinh phí hợp lý và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước. Đáng chú ý, ban có trách nhiệm đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện ngay vào nhiệm kỳ 2021-2026.
Tạo sự thống nhất với thẩm phán
Được biết mới đây, đoàn hội thẩm TAND hai cấp TP.HCM đã trao đổi với lãnh đạo TAND TP.HCM là đồng ý với dự thảo trang phục áo choàng nhằm tạo sự thống nhất, hài hòa giữa thẩm phán và HTND khi tham gia xét xử. Cạnh đó, quan điểm của đoàn hội thẩm là việc tham gia xét xử phải đạt chất lượng chứ không phải chỉ thể hiện ở hình thức.
Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP.HCM, ủng hộ và cho rằng đề xuất của TAND Tối cao đối với trang phục hội thẩm khi xét xử như trên là rất hay. “Quá trình làm nghề bấy lâu, chúng tôi từng bàn về việc này. Theo luật, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán khi xét xử nhưng với trang phục như hiện nay chưa tạo hình ảnh trang nghiêm đáng có cho họ. Vì vậy, sự đồng bộ thống nhất áo choàng với một thẩm phán chủ tọa (HĐXX sơ thẩm ba thành viên) hay hai thẩm phán (HĐXX sơ thẩm năm thành viên) nâng tầm trang nghiêm của việc xét xử” - luật sư Công cho hay.
Đồng tình, lãnh đạo TAND Cấp cao tại TP.HCM cho biết hiện đang triển khai góp ý việc này. Ông thấy trang phục áo choàng cho hội thẩm như trên là phù hợp, tạo tính đồng bộ của HĐXX tại cấp sơ thẩm. Bởi thực tế hiện nay, thẩm phán áo choàng trong khi hội thẩm lúc vest, lúc áo sơ mi thấy rất khập khiễng. Cá nhân hai thẩm phán mặc áo thụng đen thì nổi bật nhưng đặt bên cạnh ba hội thẩm mặc sơ mi trắng lại trở thành đơn điệu. Việc tất cả thành viên HĐXX mặc áo choàng có sự phân biệt chút về màu sắc thể hiện ai là thẩm phán, ai làm hội thẩm sẽ thể hiện tính uy nghiêm chốn công đường.
Một thẩm phán đã về hưu tại TP.HCM trao đổi thêm rằng ở nước ngoài, bồi thẩm đoàn tham gia việc xét xử họ cũng mang trang phục không thống nhất. Những thành viên không đọc hồ sơ, không tham gia xét hỏi, chỉ ngồi xử một lần một vụ việc và chỉ quyết định việc có tội hay không có tội. Việc họ mặc quần áo bình thường không thống nhất thể hiện từ điểm xuất phát họ tham gia vào việc giải quyết án.
Hội thẩm tại Việt Nam thì có khác, họ tham gia vào việc xét hỏi, đọc hồ sơ và là những người có sự am hiểu về pháp luật. Vì vậy, để thấy sự ngang quyền của hội thẩm và thẩm phán trong việc xét xử, chúng ta đi đến việc đồng bộ trang phục xét xử cũng phù hợp. “Tuy nhiên, tôi cũng băn khoăn về việc vậy thì cần phân biệt chỉ có sự khác màu đường viền trang phục với thẩm phán. Thực tế, việc mặc áo choàng cũng chỉ tiến hành khi mở phiên tòa xét xử” - vị này nói.
Một số thẩm phán còn băn khoăn Bên cạnh việc ủng hộ áo choàng cho HTND khi xét xử, một số thẩm phán bày tỏ không đồng tình. Họ cho rằng đồng ý HTND là thành viên HĐXX có ngang quyền với thẩm phán khi đưa ra phán quyết nhưng thẩm phán là người chịu trách nhiệm chính với công việc xét xử từ khâu thụ lý làm hồ sơ từ đầu đến khi ra phiên xử. Áo choàng khi mặc vào giúp người tham gia tố tụng phân biệt rõ ai là thẩm phán, ai là HTND. Vì vậy, có thể nói như hiện nay, áo choàng là trang phục ngành của tòa án. Nó giúp người tham gia tố tụng phân biệt với kiểm sát viên, công an… Đồng thời việc trang bị áo choàng cho HTND khi xét xử còn phải được xét ở góc độ kinh phí. Đầu tư áo choàng cho HTND là không tiết kiệm. Thực tế ở TP.HCM hàng trăm hội thẩm nhưng không hiếm người cả năm chỉ ngồi xét xử 1-2 vụ án. Việc đầu tư áo choàng như thế có phải tạo ra sự lãng phí hay không? |