Sáng 6-11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo về kết quả giám sát chuyên đề và chất vấn nhiệm kỳ khóa XIV.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói nhiệm kỳ này chưa phát hiện vụ án oan nào. Ảnh: QH
Theo Chánh án, với việc quán triệt và triển khai kịp thời, nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội, hoạt động của hệ thống TAND trong thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác.
Các Tòa án đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cơ bản mà các Nghị quyết của Quốc hội đề ra; một số lĩnh vực tuy chưa đạt được theo yêu cầu nhưng đã có nhiều tiến bộ rõ nét.
Chẳng hạn các Tòa án đã làm tốt và đẩy mạnh tranh tụng tại tất cả các phiên tòa xét xử, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Chánh án TAND Tối cao đã ban hành hai Thông tư quy định về phòng xử án và Quy chế tổ chức phiên tòa.
”Việc tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp đã thể hiện sự trang nghiêm, bình đẳng giữa các bên, tạo tâm lý thuận lợi cho luật sư khi tranh tụng” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Cũng trong nhiệm kỳ, các tòa án đã thực hiện nghiêm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tính từ 1-10-2015 đến 30-9-2020, các Tòa án đã thụ lý 19 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của Tòa án; đã giải quyết dứt điểm 15 trường hợp.
“Các Tòa án cũng đã giải quyết 60/76 vụ án dân sự mà người bị thiệt hại khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường”- Chánh án Nguyễn Hòa Bình thông tin.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, TAND Tối cao đã hoàn thiện quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ theo thủ tục đơn giản hơn, hiệu quả hơn. Tính đến nay, đã công bố được 39 án lệ với chất lượng ngày càng cao và đã có hàng ngàn bản án, viện dẫn áp dụng án lệ trong xét xử.
“Việc công khai bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử được các Tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Đến nay đã công bố được gần 600.000 bản án, quyết định với hơn 23 triệu lượt truy cập nghiên cứu bản án và đánh giá tích cực về chất lượng các bản án” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình đọc báo cáo.
Đặc biệt, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, chất lượng xét xử, giải quyết các vụ việc đã được nâng cao nhờ TAND Tối cao đã đề ra 14 giải pháp; tỉ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án trong nhiều năm được hạn chế ở mức thấp, giảm dần qua các năm và hiện ở mức dưới 1,5%, đáp ứng chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
“Xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người không có tội. Thực hiện nghiêm túc, có chất lượng chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng trung ương” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói và đề cập đến vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; các vụ án liên quan đến ngân hàng…
Các vụ này đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc làm thất thoát số lượng lớn tài sản của Nhà nước.
Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, đã có nhiều tiến bộ nhưng có năm vẫn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội do số lượng đơn thuộc thẩm quyền vẫn không ngừng gia tăng theo từng năm.
“Chất lượng kháng nghị và trả lời đơn tiếp tục được đảm bảo, 100% kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao được HĐXX giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Điểm nhấn về tăng cường cơ sở vật chất cho tòa án đáng chú ý có việc bố trí kinh phí để trang cấp bàn ghế hội trường xét xử theo mô hình mới cho các TAND cấp tỉnh và cấp huyện có số lượng lớn các vụ án phải giải quyết.
Đã tiến hành thiết kế và tổ chức may sắm, sử dụng thống nhất trang phục áo choàng khi xét xử cho các Thẩm phán từ ngày 1-9-2018.
Thời gian tới, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, có sáu giải pháp được triển khai để nâng cao chất lượng xét xử, trong đó có hai giải pháp đáng chú ý.
Một là tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử; nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều khiển phiên tòa cho đội ngũ Thẩm phán. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Hai là đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Hoàn thiện Quy trình xử lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát và đôn đốc tiến độ giải quyết.